Buổi học Phụng vụ đầu tiên
Số lượng thành viên chủ yếu là hai ban có liên quan trực tiếp đến công việc - ban Ca đoàn và ban Tâm linh. Ngoài ra còn có sự hiện diện của ban truyền thông và một số thành viên khác trong cộng đoàn.
Buổi học bắt đầu từ 19h30 và kết thúc lúc 21h. Sau một vài lời giới thiệu Cha đi trực tiếp vào bài giảng ngày hôm nay “Phụng vụ là gì?” xoay quanh 2 nội dung chính là “bản chất và ý nghĩa của phụng vụ”.
Mỗi chúng ta ít nhiều cũng đã được nghe đến hai từ “Phụng vụ”. Tuy nhiên đã có mấy ai tỏ tường được ngôn ngữ huyền diệu này? Hãy cùng em điểm qua những nội dung chính của buổi học hôm nay. Bởi vì ngôn ngữ được sử dụng ở đây lấy từ nguồn tài liệu gốc do Cha cung cấp nên em xin được phép trích nguyên lại bài giảng của Cha.
1. Ý nghĩa hạn từ phụng vụ
Việc hiểu về nghĩa của từ “Phụng vụ” cũng tuân theo quy luật của tự nhiên từ sơ khai đến hoàn thiện.
Ban đầu nó được xuất phát từ tiếng Hy Lạp được gọi là Leiturgia, từ được ghép bởi hai từ Laos (dân chúng) và Ergon (công việc, việc làm), nói chung lại là chỉ một công việc của dân chúng.
Còn cách hiểu của người cổ Hy Lạp thì Phụng vụ chỉ những công việc người ta làm phúc lợi (vật chất – tinh thần) cho công đoàn hoặc cho toàn thể dân chúng.
Kể từ thế kỉ thứ 2 TCN thì Phụng vụ là chỉ những công việc phụng tự công khai (Kinh thánh bảng LXX): chỉ những công việc công khai tư tế hoặc Lêvi cử hành ở trong nhà thờ. Đến thời Tân Ước thì từ “Phụng vụ” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau : chỉ sự phục vụ (Luca 1, 23); chỉ việc phượng tự của các tư tế nơi đền thờ (Do thái 10, 11); ngoài ra nó còn mang ý nghĩa chỉ việc Rao Giảng Tin Mừng (Roma 15, 16) hoặc là chỉ việc thờ phượng Thiên Chúa của Giáo Hội sơ khai (Công vụ 13, 2).
Càng về sau các Tông đồ, từ Phụng vụ ngày càng được hiểu sát nghĩa và rõ ràng, chi tiết hơn. Nó chỉ sự phục vụ Thiên Chúa và mang sự phục vụ cộng đoàn. Ở Đông Phương thì chỉ về việc cử hành Thánh Thể, còn Tây phương – là chúng ta thì hiểu từ phụng vụ để chỉ các phận vụ trong phụng vụ với một số từ mang nghĩa cụ thể như: ministerium (thừa tác viên), officum (chức vụ), ritus (nghi thức, nghi lễ), mystenum (mầu nhiệm)…
Đến đầu TK XX Giáo Hội công giáo chính thức dùng từ Phụng vụ trong bộ Giáo luật năm 1917 để diễn tả thẩm quyền của Giáo Hội trong việc tổ chức phụng vụ và phê chuẩn các sách dùng trong phụng vụ.
Như vậy, trải qua một thời kì phát triển lâu dài song hành cùng với sự phát triển của Kito giáo thì phải đến 1917 từ “Phụng vụ” mới chính thức được sử dụng cách hợp pháp.
2. Bản chất của phụng vụ
Có một sự nhầm lẫn mà chúng ta hay gặp đó là ta thường hiểu Phụng vụ như là một nghi thức. Nhưng thực ra Phụng vụ không phải là những nghi thức hay những quy luật của một tổ chức trần thế, cũng không phải là kết quả của ước muốn con người hoặc cũng không phải là thay đổi theo thị hiếu của con người trong dòng thời gian.
Công đồng Vaticano II (1962 – 1965) trong hiến chế về phục vụ Thánh số 17 đã chỉ rõ: “Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giesu Kito, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiên hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ và trong đó việc phụng tự vẹn toàn cũng được thực thi nhiệm thể Chúa Kito nghĩa là gồm cả đầu và các chi thể của người.
Hay nói một cách cụ thể và dễ hiểu hơn là phụng vụ trước hết là một việc Thánh do chính Chúa Kito thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Giáo Hội. Là con người được thánh hóa khi liên kết với Chúa và cùng với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha; gồm những dấu chỉ khả giác mang những ý nghĩa đích thực và qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho con người. Đó là công việc của tất cả nhiệm thể Chúa Kito.
3. Chủ thể chính trong việc cử hành phụng vụ
Theo các bạn thì đó là ai? Là linh mục? là giáo dân hay một ai khác?
Đều không phải những gì đã kể trên. Chủ thể chính trong việc cử hành phụng vụ ở đây là Chúa Kito và Giáo Hội.
Chúa Kito hoạt động trong phụng vụ trước hết với tư cách là đầu của thân thể nhằm thực hiện những công việc để thánh hóa Giáo Hội. Nhờ Ngài và trong Ngài chúng ta dâng lên lời tạ ơn, chúc tụng, cầu xin lên Thiên Chúa Cha. Thứ hai Chúa Giesu là Đấng thiết lập các Bí tích để đem lại ân sủng. Thứ 3 với tư cách là mầu nhiệm vượt qua - đó là một mầu nhiệm luôn luôn vĩnh cửu.
Còn Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và khi Chúa Giesu ban Thánh Thần xuống cho GH thì GH có nhiệm vụ : thánh hóa dân Chúa, ủy thác quyền thánh hóa cho người kế vị, và mầu nhiệm Chúa Kito Toàn Thể là nguyên lý nền tảng phục vụ Giáo Hội.
Với chỉ mỗi từ “Phụng vụ” mà một buổi học vẫn chỉ đủ để nói những cái sơ đẳng mà xem ra vẫn còn “sơ sài” lắm so với cái ý nghĩa của nó. Thế mới biết cái vốn liếng tri thức tôn giáo nó dồi dào biết ngần nào? Mà chúng ta thì đã biết và hiểu được bao nhiêu? Biết đến bao giờ cho một nền tri thức tôn giáo thật sự được vững chắc?
Đúng là phải đi thì mới biết đường dài. Thiết nghĩ rằng kiến thức là một điều vô tận, nhất là về kho tàng tri thức tôn giáo. Có đi học em mới biết được ngưỡng kiến thức của mình đang ở một tầm thấp như thế nào? Thế mới rõ là vì sao có những câu đơn giản đứa bạn ngoại đạo hỏi em cũng chưa trả lời tường tận được. Bởi vì đức tin còn yếu, nhưng trên hết đó là bởi em còn quá yếu và thiếu thốn về kiến thức tôn giáo. Có lẽ chưa đủ nhưng 5 buổi học của Cha sẽ giúp ích được nhiều cho em và mọi người hơn nữa.
Buổi học tiếp theo sẽ diễn ra vào tối thứ 4 tuần sau, ngày 2/11/2011 tại phòng học giáo lý – đền Gierado Thái Hà. Cha Tùng sẽ vẫn tiếp tục nói về vấn đề Phụng vụ với chủ đề: “Phụng vụ bao gồm những cái gì?”. Kính mời tất cả thành viên trong cộng đoàn tới tham dự. Không phải chỉ ban Ca đoàn và ban Tâm linh mới là những người liên quan, mà ơn ích là dành cho tất cả chúng ta khi mỗi chúng ta đều mang trên mình danh Chúa Giesu cao trọng.
Mong rằng mỗi người chúng ta hiểu được những điều cốt lõi trước hết là giúp cho bản thân mình trong cuộc sống đức tin. Hẹn gặp anh chị em vào tối thứ 4 tuần sau.
Chúc anh chị em một buổi tối an lành và bình yên trong Chúa!
CTV CĐV-News
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận