Thiện nguyện Cộng đoàn Đaminh Savio: MỘT HÀ NỘI KHÔNG NGỦ…
Đêm buông, nhiệt độ giảm, màn sương mờ ảo che khuất từng góc phố Hà Nội. Phố xá lúc này dần chìm trong hai gam màu ảm đạm, một chút vàng hoài niệm cổ kính của ánh đèn đường pha lẫn một chút màu đen tăm tối của những góc khuất phía xa xa con đường. Đoàn xe Đaminh Savio đang dần hòa mình vào đêm đen kia, len lỏi tới các góc phố để đến với những mảnh đời không được may mắn ấy.
Trên con phố Nhà Chung, ở phía xa xa một góc khuất ánh đèn đường không rọi tới, bác Chính đang loay hoay khẽ cọ mình trước một gian cửa nhỏ chật hẹp. Chỗ bác đang nằm kia cũng chỉ vỏn vẹn đúng bằng nửa thân người gầy gò của bác. 52 tuổi - độ tuổi đáng ra đang được nghỉ ngơi trong vòng tay chăm sóc của con cháu nhưng giờ đây bác vẫn phải sống nhờ những bữa cơm tình thương của người qua đường. Đôi tay chai sạn nhăn nheo còn nhem nhuốc những vết bẩn của bác đón lấy từng túi bánh. Đôi mắt sâu hoáy vô định nhìn về phía xa xăm … không một đích đến…không một điểm tựa…
“Bác chắc cũng chỉ sống được vài ngày nữa thôi. Thằng em của bác… nó biết bác bị bệnh hiểm nghèo, nó nhốt bác ở nhà kho suốt 3 tháng liền… bác không… không chịu nổi nữa nên đã leo tường bỏ trốn. Tính đến nay bác bỏ đi cũng đã gần 8 tháng, một thân một mình chống chọi với bệnh tật, còn cả cái đói cái khát, nay đây mai đó lấy vỉa hè làm giường, đường phố là nhà, vài ba chiếc áo lỉnh kỉnh xếp làm gối kê đầu. Hai ngày gần đây đầu bác cứ ong ong nửa tỉnh nửa mê… Bác nghĩ là bác sắp không qua khỏi nữa rồi!…”. Từng tiếng nấc nghẹn ngào, từng lời nói còn mắc nghẹn ứ trong cổ họng, hay từng dòng ngấn nước đang rưng rưng nơi khóe mắt của bác, chúng như những mũi kim đâm thẳng vào trái tim tôi. Đúng thế… cùng là một mũi kim đâm nhiều lần nhưng lại cùng đâm một chỗ, âm ỷ, day dứt không thôi. Những câu chuyện “nhốt người nhà” vì sợ bị “phiền” tưởng chừng như chỉ có thể xuất hiện trong những bộ phim truyền hình mà tôi thường xem mới có, bây giờ tôi đang được tận tai nghe, rằng người trước mặt tôi đã phải trải qua khoảng thời gian khủng khiếp như thế nào, đáng thương ra làm sao. Nhìn đôi vai gầy ốm yếu đang run lên từng đợt của bác. Thật đỗi khiến con người ta xót xa làm sao!
Tạm biệt bác Chính với một chút suy tư, men theo con đường Lê Thái Tổ, chúng tôi gặp được cô Hoa. Nhọc nhằn kiếp sống mưu sinh tạm bợ có lẽ là những khó khăn lớn nhất mà những người lao động nghèo đang phải trải qua. Cô bùi ngủi chia sẻ: “Cũng đã 32 năm cô theo cái nghề lao công này, vất vả tỉ mẩn trong đêm khuya để thu dọn những tàn dư, những túi rác mà người ta vứt ra đường ra phố. Cuộc sống vất vả lắm, những hôm ngày lễ, ngày tết mọi người vui vẻ đưa nhau đi chơi thì bọn cô vẫn phải đi làm, và phải làm hẳn 24 tiếng đồng hồ. Nhiều khi cô cũng muốn bỏ nghề lắm nhưng bỏ rồi thì con cái ai nuôi, tiền nợ học phí của con vẫn còn ở đó, không làm rồi lấy gì trả tiền cho con, không nhẽ lại bắt nó bỏ học. Nhỡ bỏ học rồi sau này nó lại trở thành “cô thứ hai” thì sao. Thôi thì đành cố thêm vài năm, hy sinh một chút bản thân mình cho con cho cháu được chút nào thì cô cũng mừng. Chồng bỏ đi xa cũng đã được 3 năm nay rồi… Áp lực của cuộc sống khiến cô kiệt quệ đi theo từng ngày”.
Những giấc ngủ chập chờn do tiếng còi của xe cộ qua đường và cả khi những lúc thời tiết xảy ra thất thường, ngay cả những tối đi làm về sớm, sau một ngày lao động mệt nhoài, họ vẫn phải đợi đến khi các cửa hàng đóng cửa thì mới tìm kiếm cho mình một chỗ để “ổn định”. Tất cả đều trở thành những nỗi bất an, lo lắng của những con người đang gồng mình lên để bám víu lấy “cái sầm uất” của cái đất Hà Nội này.
Mỗi người mỗi cảnh, có những người cứ đều đặn sống một cuộc sống như vậy suốt nhiều năm nay. Đâu đó trên những vỉa hè phố cổ kia, có những con người mặc cho cái nóng như thiêu như đốt, hay những ngọn gió đông buốt đến tận thấu xương… mà nằm ngủ.
Rời những con phố ấy, hình ảnh và những dòng tâm sự của họ vẫn day dứt theo chúng tôi mãi. “Bác đã từng… Cô đã từng…”. Họ cũng đã từng có những khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình như thế, từng có một ngôi nhà nho nhỏ của riêng mình, họ cũng đã từng là những con người “bình thường” như ai kia. Nhưng đáng buồn thay hóa ra trong cái thế gian này, buồn bã nhất vẫn là hai chữ “ ĐÃ TỪNG”, phải là những người đã trải qua mới hiểu được cái cảm giác đớn đau của hai từ này. Phải chăng cái ách, cái thập giá mà Chúa tôi trao cho những con người này vất vả, nặng nề quá rồi chăng?
“Ai làm phước cho một trong những anh em bé mọn nhất của tôi đây là chính cho tôi vậy”. À thì ra Chúa của tôi, Ngài chưa bao giờ bỏ rơi họ, để họ một mình cô quạnh nơi đây, Ngài vẫn luôn hằng sống trong họ, hiện diện cách thiêng liêng nhất trong chính họ để mời gọi chúng ta đến với Ngài. Họ như những sứ giả ở trần gian của Chúa, là cầu nối trung gian đưa ta đến với Ngài. “Người giàu có nhất không phải là người có nhiều mà là cho đi nhiều”. Hôm nay Đaminh Savio với tinh thần “Tết Trung thu đoàn viên” cũng xin một lần được trở thành “những người giàu có”. Chỉ vọn vẹn ba ngày phát động, Ban Điều hành đã thu về được những phản hồi rất tích cực. Ai có ít cho ít ai có nhiều cho nhiều, một gói bánh, vài ba thùng sữa, người ở gần, người ở xa cách này hay cách khác đều muốn góp một phần mình vào chuyến đi thiện nguyện lần này của Cộng đoàn.
"Chúng con là sinh viên Công giáo đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh...". Thật ấm lòng khi mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách nơi đây tôi đều có thể nghe thấy giọng Vinh - Hà Tĩnh quê mình, nhìn thấy những người anh em, những người bạn của tôi tay xách nách mang những túi bánh, những hộp sữa đã được gói cẩn thận trao đến tận tay những người vô gia cư. Một cách nào đó chúng tôi muốn mang tình yêu thương của những người con miền Trung xa xôi để có thể một phần nào đó an ủi, chắp vá những mảnh vỡ, những vết rách từ sâu tận đáy lòng, bước thêm một bước tới góc khuất mà những người vô gia cư kia chẳng buồn kịp chia sẻ cùng ai. Dẫu sao những túi quà không thể được như "hũ bột không vơi, bình dầu không cạn" như phép lành mà Chúa tôi làm được. May ra chỉ đủ cho họ một bữa cơm lót dạ, nhưng hơn hết, đó chính là những miếng bánh của lòng thương cảm, những hộp sữa của sự sẻ chia mà những người con Đaminh đã cùng nhau quyên góp nên.
Hành trình đêm ấy quả nhiên là một hành trình “không ngủ”, nó đã đưa chúng tôi đến với những góc khuất bên những cái sầm uất, xô bồ của cuộc sống thành thị nơi đây. Để một khoảnh khắc nào đó, chúng tôi dừng lại để biết trân quý cuộc sống của mình hơn, biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn để cất lên tiếng nói đồng cảm giữa con người với con người. Chính những con người nơi đây đã cho chúng tôi nhận ra và hiểu hơn về tình yêu của Chúa, một thứ tình yêu hiện diện trong từng nỗi đau của con người.
Trở về sau một đêm dài đầy ý nghĩa. Hà Nội lại đổ những cơn mưa. Những cơn mưa ngâu rơi trắng cả bầu trời, những cơn gió heo may se lạnh bên tai. “Không biết mưa thế này thì các bác ấy ngủ như thế nào? Có bị mưa ướt hết áo quần hay không? Trời đã bắt đầu se lạnh rồi các bác lấy gì mà đắp chăn, lấy gì để làm gối kê đầu?”.
Hà Nội mùa này một chiếc lá rơi thôi cũng đủ để khiến ta bận lòng xao xuyến, nói chi đến những trái tim đang dần héo mòn cô quạnh nơi đây.
Hà Nội đêm nay không huyên náo mà tĩnh lặng đến lạ.
Hà Nội đêm nay nghe được hẳn tiếng gió rít bên tai, một chút rùng mình, một chút thổn thức.
Hà Nội đêm nay… có một chút lập lòe mảng sáng tối với những cảnh đời mưu sinh!
Vt Lành
Ban Truyền thông Cộng đoàn Đaminh Savio
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận