Bài giảng Lòng Thương Xót

  • Share this:
Chuỗi thứ nhất, xin Đức Mẹ tẩy rửa linh hồn chúng ta, chuỗi thứ 2, thể hiện ý ca tụng tôn vinh Đức Mẹ, chuỗi thứ 3, cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, chuỗi thứ 4 cầu nguyện cho các bà mẹ đừng phá thai vì đó là tội rất nặng, chuỗi thứ 5 xin Đức Mẹ ban bình an cho gia đình, đất nước và thế giới. Sau đó chúng ta đọc chuỗi Thương Xót, như vậy chúng ta xin gì, được nấy, xin gì được nấy, miễn là ơn xin đó đẹp lòng Thiên Chúa. Lòng Thương Xót Chúa là phương thế cuối cùng để cứu rỗi nhân loại, vậy chúng ta hãy đến kín múc nguồn ơn Cứu Rỗi để linh hồn chúng ta được tưới nhuần Lòng Thương Xót, để Thế giới được nhấn chìm trong đại dương lòng Chúa Xót Thương.
post-title


Hãy đến với đại dương Lòng Thương Xót Chúa
 
Để lại sau lưng những bộn bề học hành, thi cử, tôi háo hức lên Thánh đường, đến với Cộng đoàn. Hôm nay Cộng đoàn cử hành Thánh lễ tối thứ 6 hàng tuần như thường lệ, nhưng lòng tôi háo hức, vì hôm nay là Thánh lễ cuối Tháng Hoa, trong Thánh lễ hôm nay được đồng tế bởi hai Linh mục, Cha Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh cha Linh hướng Công đoàn, đặc biệt hôm nay có sự hiện diện của Giu-se Nguyễn Văn Thắng – vị Linh mục theo tôi là vị “tong đồ” rao truyền Lòng Thương Xót Chúa – Vâng cha có lòng sung mộ đặc biệt đối với suối nguồi tình yêu từ đại dương Lòng Thương Xót Chúa Giê-su. Chính vì vậy mà lời của Cha giảng cách đây một tháng cho 10 000 người tham dự đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Giáo hạt Ngàn Sâu âm hưởng trong tâm hồn tôi vang vọng đến bây giờ, và Thánh lễ hôm nay, tôi lại lần nữa được nghe những lời giảng xuất phát từ trái tim của vị linh mục có lòng sung kính Lòng Thương Xót Chúa Giê-su cách đặc biệt.

Như đã bao lần giảng đi giảng lại trong ít nhất 8 năm, vị linh mục vẫn miệt mài ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa! Tại sao như vậy?

Vâng! Lòng Thương Xót Thiên Chúa dành cho con người sâu thẳm, bao la ví như đại dương, con người kín múc muôn đời không vơi cạn, qua tháng năm Lòng Thương Xót Chúa đã đổ tràn trề trên nhân loại.

Vì yêu thương Chúa đã tạo dựng nên con người, vì yêu thương Chúa đã che chở cho con người, vì yêu thương Chúa đã hạ mình xuống để cứu chuộc cho con người.

Để hiểu được lòng Chúa Xót Thương con người, chúng ta hãy ngẫm qua một câu chuyện ngụ ngôn: khi ta đi ra đường, thấy tai nạn một người vỡ sọ chết đau đớn giữa đường, nếu là người lạ, ta không mấy cảm xúc rung động, có chăng cũng chỉ là một chút xót xa cho thân phận họ, rồi ta bước đi, lãng quyên như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Nhưng, nếu không may đó là người thân chúng ta, là con cái chúng ta, ắt hẳn chúng ta sẽ rất đau lòng, xót xa và nỗi đau sẽ cào xé tận tim gan. Qua đó ta hãy ngẫm về Lòng Thương Xót Chúa, Người đã cho chúng ta làm nghĩa tử của Ngài, vậy một người cha nhân từ như Thiên Chúa không đau lòng sao được khi tận mắt chứng kiến con cái mình sa vào hỏa ngục đau đớn khốn cùng?

Vì vậy Chúa đã đổ Lòng Thương Xót vô biên của Chúa xuống tràn ngập trên nhân trần để cứu rỗi nhân loại. Ta có thể hiểu sâu hơn về sự bao la sâu thẳm của Lòng Thương Xót Chúa qua câu chuyện:  Một người con phạm tội, bị bắt vào tù ngục, muốn chuộc người con ra khỏi tù, phải trả đến 100 đô, nhưng nếu các bậc sinh thành đem đến 1000 đô hoặc hơn nữa, thì việc giải phóng tù nhân thật quá dễ dàng. Thiên Chúa cũng vậy, để cứu chuộc con người, ngài đã trả cái giá vô cùng đắt đỏ, đã hiến tế con một mình trên thập tự.

Vâng giá chuộc Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc con người “đắt đỏ” vô cùng. Thiên Chúa đã hạ mình xuống thân phận con người chịu muôn trăm nghìn cay đắng, đau khổ, nhưng ở đây ta nhắc đến 4 nỗi đau đớn lớn nhất mà Chúa phải trải qua.

Nỗi đau thứ nhất Chúa chịu sỉ nhục: Thử hỏi khi một ai đó nói xấu ta, xúc phạm đến ta, ta đã khó chịu lắm, chỉ muốn trả đũa cho thỏa cơn tức giận, còn ở đây Chúa bị nhạo báng, bị sỉ nhổ nước miếng vào mặt và chết đau đớn, ê chề trần truồng không một mảnh vải che thân, thử hỏi một Thiên Chúa cao sang, thế quyền vì đâu phải hạ mình đến như vậy? há chăng có phải bởi tại Lòng Thương Xót nhân loại.

Nỗi đau thứ 2: Chúa bị đánh tan nát từ đầu đến chân, từ chân đến đầu.

Thân thể chúng ta, chỉ cần dẫm phải một chiếc gai, đã phải kêu lên, đau đớn không chịu được, vậy Chúa đã phải chịu chính con người đánh đập tan nát, thử hỏi nỗi đau đớn đó đến mức độ nào? Vì đâu Chúa lại chịu đau đớn như vậy? vì có như vậy Chúa giá máu mới “đắt đỏ” mới chuộc lại được tội lỗi của con người.

Nỗi đau thứ 3: Đức Giê-su cô đơn đến tột cùng.

Những người theo Chúa, hỏi mấy ai bước đến khi Chúa trút hơi thở cuối cùng, cho đến chết Đức Giê-su cũng phải thốt lên “Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài nỡ bỏ rơi con?” Lời than thở này Chúa như thay cả và nhân loại kêu lên Lòng Thương Xót Chúa.

Ba nỗi đau trên chỉ là tạm thời, nhưng nỗi đau lớn nhất, giai giẳng nhất là nỗi đau “Tình Yêu”:

Tại sao Tình yêu lại là nỗi đau lớn nhất? Thử hỏi khi ta yêu một người, không những người đó vô tình không biết đến tình yêu ta dành cho người đó, mà họ còn đáp trả bằng cách nhổ vào mặt, sỉ vả, đánh tan nát không ghê tay thử hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Và Chúa vì yêu đã chết cho chúng ta, vì chúng ta, Chúa đã đổ đến giọt máu, giọt nước cuối cùng để cứu độ con người không chỉ một lần mà hằng ngày trên bàn thờ, ta thử đặt mình vào trường hợp của Chúa xem! Nỗi đau đó lớn đến mức nào?

Từ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su đại dương Lòng Thương Xót Chúa được mở ra, đổ ngập tràn trên nhân loại. Nhưng tội lỗi con người nhiều vô kể, có hằng hà sa số những con người tội lỗi sa xuống hỏa ngục hằng ngày đến nỗi Chúa đã nói với Thánh nữ Ma-ri-a Faus-tina: “Không một linh hồn nào trở nên công chính hóa trước khi quay về với Lòng Thương Xót Cha với niềm tín thác.

 Như trong nhật ký Lòng Thương Xót Chúa, Thánh nữ Ma-ri-a Faus-ti-na đã thấy một con đường sáng rộng, trên con đường đó nhiều con người nô nức bước đi, nhảy múa, ăn chơi, hưởng lạc với rất nhiều thú tiêu khiển, những lạc thú sa đọa nhất của con người, người ta say sưa hưởng lạc đến nỗi quên cả khôn nhìn ra phía trước con đường cụt là hố sâu của hỏa ngục, để rồi hằng hà sa số linh hồn bị rơi xuống nơi đau đớn, nơi không có tình yêu mà chỉ có gian dối, cấu xé và bị thiêu đốt đau đớn tột cùng. Thánh nữ cũng thấy một con đường hẹp, đầy gai gốc và cũng có nhiều người đau đớn đi trên con đường đó, có những người đã gục ngã nhưng họ đứng dậy và đi tiếp, cuối con đường là ánh sáng chan hòa, đầy tình yêu và sự ủi an của Thiên Chúa, họ được sống sung mãn trong Thiên Đường ngập đầy tình yêu.

Thánh nữ cũng được Chúa dẫn xuống luyện ngục, nơi giam giữ các linh hồn còn đang phải đền tội, những tội lỗi họ đã phạm khi còn sống ở tại thế, ở đó, các linh hồn khao khát dung nhan Thiên Chúa, họ phải ăn nă, đền phạt tội lỗi và chịu thiêu đốt bởi lửa luyện tội, họ đang cần lời cầu nguyện, các Thánh lễ đế Chúa tưới nhuần nước mát từ Lòng Thương Xót của Chúa xuống trên các Linh hồn, Thánh nữ còn thấy Đức Mẹ xuống thăm và yên ủi các linh hồn.

Tôi nói đây để nhắc nhở mọi người biết cách tìm đến Lòng Thương Xót Chúa khi còn tại thế, có như vậy, sự sống đời sau mới bớt khổ đau, và cuộc sống đời này đỡ vơi sầu não.

Lòng Thương Xót Chúa mở rộng cho hết thảy mọi người, và Ngai đã  đem đến 7 phương thế để qua đó con người hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa.
  1. Tòa Thương Xót (tức là tòa giải tội): “ở đó, những phép lạ lớn lao nhất hằng xảy ra và không ngừng được tái diễn.” Nhật Ký Lòng Thương Xót(NKLTX) 1448.
  2. Nhiệm tích Thánh Thể: Bữa tiệc Thánh Thể tái diễn lại cuộc khổ nạn đau Thương của Chúa Giê-su để qua đó nên thần lương nuôi dưỡng linh hồn tín hữu.
  3. Bức ảnh Lòng Thương Xót: “Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức ảnh này thì sẽ không bị hư mất.” (NKLTX 48)
  4. Chuỗi hạt Thương Xót: Bằng việc lần chuỗi Thương Xót này, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn.” Đọc chuỗi Thương Xót sẽ hoán cải tội nhân, trợ giúp người hấp hối, và bất cứ ai đọc chuỗi kinh này sẽ nhận được Lòng Thương Xót và không bị hư mất trong giờ lâm tử”(NKLTX)
  5. Tuần cửu nhật Lòng Thương Xót Chúa: “Với tuần cửu nhật này, cha sẽ ban mọi ơn sủng có thể cho các linh hồn” (NKLTX 796)
  6. Đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa (Chúa nhật sau lễ phục sinh): “Cha muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho những linh hồn nào đi xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NKLTX 1109)
  7. Giờ Thương Xót vô biên (3 giờ chiều hằng ngày) “Trong giờ này, linh hồn nào nhân vì cuộc Thương Khó của Cha mà kêu xin, cha sẽ không khước từ họ bất cứ điều gì…” (NKLTX 1320).
Thiên Chúa thật hào phóng, lòng Thương Xót bao la, vậy chúng ta hãy đến mà múc lấy suối nguồn tình yêu từ Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng chúng ta phải biết cách múc lấy, phải đến với Lòng Thương Xót, cầu nguyện chân Thành, vì như một lời cầu nguyện của linh hồn Thánh thiện như Thánh nữ Ma-ri-a Faus-ti-na, chỉ lời cầu ngyện đơn sơ làm cả Thiên Đàng phải bàn tán xôn xao, có như vậy lời kinh nguyện đó mới có thế giá trước mặt Thiên Chúa.

Trong bài giảng Cha Giu-se chỉ cho chúng ta cách để thực hiện giờ thương xót vô biên.

Trước tiên chúng ta phải hiểu được tại sao Chúa lại dung chuỗi mân côi để đọc chuỗi Thương Xót.

Chuỗi Mân Côi hay con gọi là chuỗi Ro-sa nghĩa là chuỗi hoa hồng (tượng trưng cho tình yêu), chuỗi nước mắt. Như vậy chuỗi Mân Côi là chuỗi tình yêu, chuỗi nước mắt của Mẹ, mẹ cũng đã đồng công trong công cuộc cứu độ, đã bị lưỡi đòng đau thương đâm thấu trái tim, và những chuỗi nước mắt đau thương có giá thế rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Mẹ nhân lọai đã đem đến cho chúng ta phương thế là chuỗi hạt mân côi, chúng ta phải sử dụng như thế nào?

Theo kinh nghiệm của Cha, chúng ta thực hiện chuỗi kinh thương xót 3 lần trong một ngày, đó là vào lúc sáng sớm khi mới thức dậy, trước khi đi ngủ, và vào giờ thương xót vô biên.

Trước khi đọc chuỗi thương xót, chúng ta hãy đọc chuỗi Mân Côi, để qua Mẹ chuyển cầu lời nguyện chúng ta đến với Chúa, vậy chúng ta đọc chuối Mân Côi như thế nào để kéo được các linh hồn ra khỏi luyện ngục?

Chuỗi thứ nhất, xin Đức Mẹ tẩy rửa linh hồn chúng ta, chuỗi thứ 2, thể hiện ý ca tụng tôn vinh Đức Mẹ, chuỗi thứ 3, cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, chuỗi thứ 4 cầu nguyện cho các bà mẹ đừng phá thai vì đó là tội rất nặng, chuỗi thứ 5 xin Đức Mẹ ban bình an cho gia đình, đất nước và thế giới. Sau đó chúng ta đọc chuỗi Thương Xót, như vậy chúng ta xin gì, được nấy, xin gì được nấy, miễn là ơn xin đó đẹp lòng Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót Chúa là phương thế cuối cùng để cứu rỗi nhân loại, vậy chúng ta hãy đến kín múc nguồn ơn Cứu Rỗi để linh hồn chúng ta được tưới nhuần Lòng Thương Xót, để Thế giới được nhấn chìm trong đại dương lòng Chúa Xót Thương.
 
(Theo bài giảng của LM Giuse Nguyễn Văn Thắng)

 
Tháng Hoa
 
Giuse Trần Cương
 
Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận