Thánh lễ tổng kết năm học của Cộng đoàn Vinh: Hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi

  • Share this:
Một năm học nữa đã trôi qua, một năm đầy hồng ân Thiên Chúa đã đổ xuống trên Cộng đoàn. Ánh nắng, những tiếng ve râm ran, và những chùm phượng đỏ rực đang kéo kỳ nghỉ hè về. Dưới mái nguyện đường Giêrađô - Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội quy tụ về với nhau để tham dự lễ Chúa Ba Ngôi, cũng là Thánh lễ kết thúc năm học của Cộng đoàn.
post-title

Thánh lễ được Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh – Cha Linh hướng của Cộng đoàn – hiệp dâng dâng Thánh lễ, có sự hiện diện của các thành viên Cộng đoàn và nhất là những anh chị em đã hoàn thành nhiệm vụ học tập tại các trường đại học, để tung cánh vào đời xây dựng Giáo hội, xây dựng xã hội. Các bài đọc phụng vụ, Tin Mừng và bài giảng của cha Linh hướng xoay quanh chủ đề - mầu nhiệm đã gây rất nhiều tranh cãi: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Chúa ba ngôi đã tốn không biết bao giấy mực của các học giả lỗi lạc trên thế giới, như Thánh Augustino đã nghiên cứu cả đời về mầu nhiệm, Thánh Gioan Tông đồ một nhà thần bí, một nhà tự biện đã nhắc đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong những thị kiến thánh nhân, viết lại trong sách Khải Huyền, nhưng lý trí giới hạn con người khựng lại trước mầu nhiệm một Chúa ba ngôi. Lý trí của con người bất lực không hiểu được hiểu được phép toán huyền nhiệm: 1+ 1+ 1 = 1.


Theo dòng lịch sử Hội Thánh, ta nhìn về những khảo luận của Thánh Phaolô - Nhà truyền giáo, nhà hùng biện, một học giả lỗi lạc có trí tuệ uyên thâm, nhưng trong những tác phẩm của Thánh nhân, ta thấy Thánh nhân ít nói về mầu nhiệm “Một Chúa nhưng ba ngôi”, Ngài chỉ viết một cách đơn giản: “Anh em thân mến! Khi tôi đến với anh em tôi không dùng tư tưởng triết lý, những lời văn hoa mỹ đế thuyết phục anh em, nhưng tôi nói với anh em những ngôn từ đơn giản, tôi nói với anh em những điều tôi lãnh nhận từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô”.

Cho đến thế kỷ này, khi nghiên cứu về các văn bản mà Thánh Phaolô để lại ta thấy rằng chưa ai qua được cách hành văn và trí tuệ uyên thâm của Thánh Phaolô, nhưng khi giảng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Thánh nhân chỉ dùng những lời nói giản gị như vậy.

Đứng trước những mầu nhiệm, lý trí giới hạn con người khựng lại, bất lực, lý trí của con người bất lực và chỉ có đức tin mới tế nhận được những huyền nhiệm mà thôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa ba ngôi là một thực tại Thần Linh, mà chỉ có Thiên Chúa tỏ ra cho con người, qua dòng lịch sử. Qua Đức Giêsu, Ngài tỏ cho thấy có Chúa Cha, qua Đức Giêsu, Ngài tỏ cho thấy Chúa Thánh Thần, qua Đức Giêsu, Ngài cho thấy Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần là một.

Mặc khải Chúa Giêsu nói như vậy và ngôn ngữ con người không thể lý giải. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đức tin, chứ không phải là mầu nhiệm của lý trí con người.


Như Thánh Phao-lô qua những nghiên cứu lý luận uyên thâm, nhưng trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Thánh nhân cuối cùng chỉ chốt lại: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần, ở cùng tất cả anh chị em”.

Như vậy qua Kinh Thánh, ta thấy được Thiên Chúa là đấng nhân hậu, chậm giận, giàu tình yêu và nhân nghĩa. Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su, cho chúng ta thấy Đức Giê-su là đấng cứu độ: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã đem con một của Ngài đến cứu độ nhân loại, để cho những ai tin vào con một của Ngài thì được cứu độ, và ai không tin sẽ bị kết án.

Như vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của lòng tin.

Ba bản Kinh Thánh hôm nay nói cho chúng ta một thực tại Thiên Chúa duy nhất nhân hậu, đầy tình yêu. Thiên Chúa duy nhất có ba thực tại, ba thực tại này yêu nhau, dâng hiến cho nhau, dâng tặng cho nhau tất cả, đến nỗi: cha ở trong Con, Con ở trong Cha, Thánh Thần ở trong Ta, Ta ở trong Thánh Thần. Thực tại này chỉ được tế độ bằng niềm tin, lý trí của con người giới hạn không hiểu thấu được.

Lễ tổng kết năm nay, trùng với lễ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm căn cốt, cao trọng mà Thiên Chúa tỏ cho con người nhắc mỗi người chúng ta về sự hiệp nhất trong Cộng đoàn.

Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi khác biệt, ở đây sứ điệp Chúa muốn nhắn gửi muốn xây dựng một xã hội cùng đích, một cộng đoàn hiệp nhất, một gia đình hạnh phúc duy nhất trong sự khác biệt.

Chúng ta là mỗi cá thể khác nhau trong gia đình, nhưng chúng ta phải duy nhất trong tư tưởng, duy nhất trong nhận thức, duy nhất trong đức tin, duy nhất trong đức cậy, đức mến để vun đắp gia đình.

Chúng ta là mỗi cá thể trong Cộng đoàn, khác biệt nhau về tư tưởng, khác biệt nhau về tính cách, khác nhau về lập trường… nhưng để xây dựng một Cộng đoàn duy nhất chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt, không được loại trừ lẫn nhau. Và đằng sau sự khác biệt, sẽ có mẫu số chung làm nên sự duy nhất cho Cộng đoàn.

Nếu không chấp nhận sự duy nhất trong sự khác biệt, nhân loại sẽ mãi mãi chiến tranh, nhân loại sẽ mãi mãi sống trong bất công, bạo lực.

Nhưng nguyên lý của sự hiệp nhất này nằm ở đâu? Thưa! nằm ở trong Kitô giáo. Nền tảng này xuất phát từ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi khác biệt, Ba Ngôi chức năng khác nhau, nhưng duy nhất trong một tình yêu, trong một sứ mạng để cứu độ nhân loại.

Đó là nền tảng triết học để nhân loại xây dựng thế giới văn minh, duy nhất trong sự đa nguyên, duy nhất trong sự khác biệt, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau, biết tôn trọng mọi tầng lớp trong xã hội, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là triết lý nền tảng để xây dựng thế giới.

Thánh lễ hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại để chúng ta sống trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Biết sống yêu thương, chấp nhận sự khác biệt để xây dựng, gia đinh, xây dựng Cộng đoàn, xây dựng đất nước và Thế giới hiệp nhất yêu thương và văn minh đầy tình yêu.
















 

Giuse Trần Cương
 

Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận