Suy ngẫm về thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho luật sư Giuse Lê Quốc Quân

  • Share this:
Nộp bài thi xong, tôi hối hả chạy ra nhà xe để lại sau lưng những giờ thi cử căng thẳng, bỏ lại những tiếng luận bàn rắc rối về mớ kiến thức mà tôi và những người bạn đã vật vã mấy tháng để học thuộc lòng từng chữ.
post-title

Nhẹ lướt qua con phố đông đúc người, tôi thả hồn theo những ngọn gió vi vu, tâm hồn xao động như những cây liễu già khẽ rung theo chiều gió, khung cảnh thật tĩnh lặng, thật yên bình. Mặt hồ còn đâu đó những hạt bong bóng sủi lăn tăn làm khung cảnh lấp lánh hơn, ít rác thải hơn so với mọi khi, chắc hẳn  rác rưởi đã cuốn theo những tấm lưới vây bắt mới hồi chiều. Những bãi cỏ nằm xiêu mình sau khi bị hàng ngàn bước chân dẫm đạp trong ngày, những cây xung quanh hồ có phần xơ xác hơn. Nghĩ lại cảnh hàng nghìn người hồi chiều đổ về bờ Hồ, cố chen chân để xem “cuộc vây bắt cụ rùa” bởi hàng trăm chiến sỹ không ngại giá lạnh, rét mướt và cả dòng nước nhiễm bẩn nặng với một màu xanh đục mà tôi thấy chạnh lòng. Họ đang lo cho vận mệnh đất nước chăng?

Do người ta hiếu kỳ chăng? Cũng đúng thôi, tin tức về cụ rùa trên các trang mạng, đài báo đăng hàng loạt, nhiều hơn so với tin tức đăng về trận lũ lụt lịch sử ở miền trung  vừa rồi cơ mà!

Mà đôi khi có lẽ do đó là “linh vật” của quốc gia? Có lẽ vế thứ 2 đúng hơn, người ta cần đến đời sống tâm linh biết bao? Tôi chợt thắc mắc ‘ tại sao’  họ có tư tưởng vô thần mà lại kính cẩn với cụ rùa như vậy? Một trí thức non nớt bỗng chững lại không biết câu trả lời. Rồi lại chợt nhớ mới vừa rồi ở lễ hội đền Trần -  Nam Định, từ quan chức cấp cao, đến tầng lớp bần dân đều dành giật, cướp bóc, thậm chí dẫm đạp lên nhau để “mua” cho được ấn tài, ấn lộc, ấn quan chức để nhờ ấn mà năm nay họ làm ăn phát đạt, được thăng quan, tiến chức. Rồi khắp nơi, cứ đến ngày rằm, ngày tết, hay ngày “hạn”…  từ thành thị đến nông thôn ai ai cũng đốt nhang khói nghi ngút. Bao nhiêu cảnh “gọi hồn” người chết gặp lại người sống diễn ra thường xuyên, rồi các liệt sỹ vô danh đã tìm lại được hài cốt, tên tuổi, đến nỗi trong bất cứ nhà nào cũng thấy cuốn “nói chuyện với người âm”! à thì ra họ cần biết bao đời sống tâm linh, con người ta luôn khao khát đời sống tâm linh!…chắc nếu không có đời sống tâm linh con người ta chỉ là con vật ‘tiến hóa’ từ khỉ mà thôi!...

Ngắm cảnh bờ Hồ chán, tôi phóng xe lên Thái Hà vì chợt nhớ hôm trước có thông báo Thánh lễ cầu nguyện cho một vị Luật sư vừa bị bắt do tội gây rối trật tự công cộng gì đó. Tôi chợt nghĩ ‘à có lẽ ông luật sư này đi xem cảnh bắt cụ rùa, rồi dẫm lên cỏ, hay phấn khích la ó chăng?’ thôi mình cứ lên xem vậy, biết thêm cái gì hay cái ấy.


 

 


Đến cổng bệnh viện, tôi đã thấy hàng ngàn ngọn nến nối đuôi nhau rực sáng cả một đoạn đường, thấp thoáng trong ánh nến lung linh là hàng trăm bộ đồng phục màu vàng, có quàng tấm choàng quanh cổ màu đỏ với hàng chữ Ca đoàn Teresa Hài đồng Vinh. Một khung cảnh làm tôi chợt bối rối, ở đó có sự đoàn kết, sự hiệp nhất, hàng ngàn người hòa cùng câu kinh, hàng ngọn nến hòa chung vào một vầng sáng rực.

Tôi chùng chân lại trước khung cảnh đang diễn ra, họ đang làm gì đó? hàng ngàn người thắp nến đó, hàng ngàn con tim đang thổn thức đó, họ đến đây vì hiếu kỳ chăng? Hay họ cũng đang khát đời sống tâm linh?

Tôi cật vấn mình xem tôi đến đây để làm gì? Có ai thôi thúc mình đến đây chăng? Hay tôi cũng theo phong trào mà đến đây? Tôi đến đây để cùng mọi người đòi sự thật chăng? Tôi đến đây cùng mọi người đòi công lý chăng? Tôi đến đây để cùng mọi người tìm hòa bình chăng? Chắc hẵn những người tham dự, những người chú ý đến sự kiện này đều có chung câu hỏi.

Vâng để trả lời câu hỏi ắt hẳn mỗi người sẽ trả lời theo cách khác nhau.



Tôi đến đây là để cầu nguyện cho một người anh, một người đồng hương, cũng là người anh em cùng Cộng đoàn Vinh!  Nhìn vào sâu thẳm tâm hồn, chẳng có ai thôi thúc tôi đến đây cả, chẳng có một tổ chức nào xúi dục tôi đến đây để hưởng chút lợi ích cá nhân nào cả như lẽ thường người ta vẫn nghĩ ở cái xã hội thực dụng này.

Tôi đến đây để cầu nguyện, tôi đến đầy để cùng với anh em cầu nguyện tôi đến đây để thưa chuyện với Chúa. Đó là nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn cần thiết như thức ăn, nước uống vậy.

Người ta nói đến đây hôm nay để đòi sự thật ư? Có phần không đúng chăng? Sự thật vốn dĩ đã thế, có nói cũng vẫn vậy, có giải thích đúng hay sai thì sự thật vẫn rành rành ra vậy đó. Có đòi, hay cất dấu người ta vẫn thấy được sự thật. Nhưng khổ nổi sự thật đôi khi lại bị ngụy trang dưới nhiều hình thức để đến nỗi thật, giả không biết đường nào mà lần. Ngẫm ra, từ bé đến giờ tôi cũng như bao người bị nhồi nhét vào trong đầu bao nhiêu là điều giả dối, những thứ người ta nhét vào đầu tôi có phải đều đúng cả đâu? Vậy mà khi chưa trưởng thành tri thức tôi vẫn ấu trĩ tin vào đó là sự thật, và có khi đem lòng yêu mến, để rồi hiểu ra tôi chợt ngán ngẫm : tất cả chỉ là sự bày đặt. Tôi vẫn nhớ như in hồi thơ ấu những cú đánh bằng thước, những cú bạt tai, những lời mắng nhiếc hay những cái bĩu môi của cô giáo, của bạn bè khi người ta hỏi: có tin có Thượng đế không? Tôi lại trả lời ngược ý mà người ta đã in sẵn trong đầu họ: ‘có Thượng đế’… Ôi nếu trên đầu không có một ai để kính sợ thì con người ta còn sợ điều gì xấu xa mà không làm nữa chứ!? Khi người ta chỉ nghĩ đến cuộc đời chóng qua này mà không nghĩ đến những giá trị cao hơn thì người ta sẽ không từ thủ đoạn nào để đạt được những lợi ích cá nhân! Nhưng ôi thôi thật khốn nạn cho họ vì còn đó cuộc sống đời sau, nơi đó vô tận, vô tận cả về thời gian, không gian… cũng như hai thái cực phân biệt rõ rệt hạnh phúc và đau khổ.


Rồi lớn lên thuyết tiến hóa không biết có đúng hay không, nhưng tôi không khỏi buồn cười khi tôi hỏi người thầy có chức danh tiến sỹ: ‘sao bây giờ khỉ không tiến hóa thành người nữa? và sau này liệu con người sẽ tiến hóa thành con gì’? và trả lời cho câu hỏi là con số không đỏ chót, tròn trĩnh…tôi đành ngậm ngùi tự trả lời: ‘có lẽ con người sẽ biến thành con khỉ, vì không đâu xa,trong thành phố tôi đang sống người ta vẫn thường xuyên giở trò “khỉ” ra với nhau đó thôi! Chợt thấy não mình như bị chất hóa học nào đó nhẹ nhàng “tẩy não” đi để nghĩ đến hướng hoàn toàn trái ngược lại với những suy từ ban sơ mà tôi không ý thức được.


 


Tôi đến đây để tìm công lý chăng? Công lý phải chăng là cái cớ cho biết bao cuộc chiến đẫm máu, những cuộc đàn áp… khi hai từ này bị người ta lam dụng.

Tôi yêu đất nước mình, nhưng tôi cảm thấy và ắt hẳn nhiều người cảm nhận được ở đất nước tôi từ “công lý” chỉ đến như một sự vô tư, công bằng, chính trực phải chăng là quá xa xỉ? Xa xỉ bởi vì quyền lực, quyền lợi, chỉ nằm trong tay một số người, và khi ai đó nói đến, bàn đến, nghĩ đến cái độc quyền, độc lợi của những người này lại bị bắt bớ, giam cầm bằng cách này hay cách khác, bằng vũ lực hay bằng các vụ việc bày đặt ra mà đến cả đứa trẻ nít nghe xong cũng không khỏi buồn cười.

Tôi đến đây vì hòa bình chăng? Tôi đang sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc cơ mà? Không! Không đó chỉ là cái ảo giác cỗ hũ của tôi cũng như mọi người, tôi đã bị nhồi nhét vào từ nhỏ thôi. Ngoài kia biết bao dân đen đang oằn mình lao động, lao động đến kiệt sức. Biết bao người mặc vào tấm áo người ta cho mà sao thấy nó siết chặt, sao nó quằn qoại đến vậy? Người ta đủ no, đủ ấm đó, người ta có thể tự do đó, nhưng ngẫm kỹ lại mà xem, tự do gì khi ý tưởng của con người bị kìm kẹp dưới một tư tưởng quân phiệt duy ý chí. Để kìm kẹp tất cả ý hướng ngược lại với tư tưởng quân phiệt đó người ta sẵn sàng giẫm đạp lên tất cả mọi giá trị nhân bản, các giá trị đạo đức.

Hôm nay nhìn ánh nến rực sáng mà lòng không khỏi thoáng buồn khi nghĩ lại cảnh một người phụ nữ chất phác, chắc là người dân nhập cư lên Hà Nội kiếm sống, hối hả dúi chiếc kính méo mó chỉ còn lại chiếc gọng cho vị Linh mục. Măt ánh lên vẽ sợ hãi và hình như đang để ý đằng sau xem có ai “theo dõi” không?

Đây là kính của luật sư Lê Quốc Quân đây! “Bọn chúng” đã dẫm nát, còn nói mỉa mai ‘à thì cho mày mù luôn này!’

Phải chăng họ đang vùi dập người tri thức xuống dưới chân, phải chăng mọi chuẩn mực xã hội đã bị đảo lộn dưới thế quyền?

Hôm nay tôi đến đây, những câu hỏi bấy lâu nay thắc mắc chợt vỡ ra. Tôi đến đây để tìm về với sự thật vì nơi những người anh em đang cầu nguyện kia có sự thật. Nơi đây có công lý vì mọi người đều bình đẳng, không có ai có quyền lợi, vật chất, độc quyền hơn ai cả, Linh mục cũng như giáo dân, người có đạo cũng như người lương, kể cả những người đang theo dõi chúng tôi kia cũng đều là anh em một nhà…Tôi đến đây để tìm hòa bình vì nơi đây tôi tìm được nguồn bình an, nơi đây tôi được tự do mà suy ngẫm.

Tôi trầm mình trong Thánh lễ sốt sắng, tôi trầm mình trong hàng ngàn ngọn nến lung linh, tôi trầm mình trong lời kinh nguyện sốt sắng.

Tôi cầu nguyện cho đất nước được phát triển, tôi cầu nguyện cho luật sư Giuse Lê Quốc Quân, tôi cầu nguyện cho Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, tôi cầu nguyện cho luật sư Cù Huy Hà Vũ luôn biết vững tin trên con đường các vị đã chọn để cống hiến hết mình cho Giáo hội, cho Đất nước, cho Dân tộc. Tôi cũng cầu nguyện cho những ai đang đi sai đường sớm được trở về con đường đúng!

Tôi cầu nguyện đặc biệt cho các nhà cầm quyền ở Việt Nam! Hãy cầu nguyện nhiều cho các nhà cầm quyền ở đất nước chúng ta vì hơn ai hết họ cần sự thật, họ cần công lý, họ cần hòa bình và họ rất cần tình yêu!

Anh Quân, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ...hay những người yêu chuộng công lý-sự thật-hòa bình đã như những cây đuốc lớn thắp sáng Việt Nam. Mặc dầu ngọn lữa đó đang cháy ở trong lao tù, nhưng ắt hẳn ngọn lửa đó sẽ mãi không tàn!

Những người tham dự Thánh lễ, tôi,các bạn sinh viên và tất cả người Việt Nam cũng hãy là một cây nến sáng cháy, hãy biết rực sáng để soi đường cho mình và cho người bên cạnh. Bạn sẽ bị tan chảy ra, nhưng có như vậy ánh sáng mới tỏa lên được.

Bạn cứ nghĩ rằng mỗi mình bạn chỉ như hạt muối tan biến giữa biển rộng, nhưng nếu nhiều hạt muối cùng tan ra thì vị mặn của biển đã khác đi rồi!…

Ngoài kia bóng tối còn bao trùm, ngàn ngọn nến chỉ thắp sáng một vùng Thái Hà nhưng tôi vẫn nghe được hơi ấm từ những ngọn nến ở hơn 20 giáo xứ ở địa phận Vinh cũng đang rực sáng tin yêu.

Tôi viết bài này dành cho những ai đang còn thờ ơ với cuộc đời mình, cũng như một cách giải bày sự thắc mắc của nhiều người tại sao Cộng đoàn Vinh  và Giáo dân lại thắp nến cầu nguyện?
Và tôi cũng mong muốn thiết tha, mong đến một ngày những bài viết mang tính xây dựng như bài này được mạnh dạn viết tên đích danh phía dưới, hơn là phải ghi vào phần tác giả bài viết hai chữ: Vô Danh.

Một sinh viên Công giáo – Một thành viên của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội


 

 

 
 
Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận