Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội tĩnh tâm Mùa Chay 2017: “Tha nhân là một Hồng Ân” (3)

  • Share this:
Mỗi năm một lần, tĩnh tâm tại Đan Viện Xito (Châu Sơn - Ninh Bình) đã trở thành 1 truyền thống tốt dẹp, một hoạt động tâm linh ý nghĩa của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội. Năm nay, Cộng đoàn được trở về với Châu Sơn trong 3 ngày 31/3, 1/4 và 2/4 với chủ đề xuyên suốt “Tha nhân là một Hồng Ân”
post-title

Đan viện Châu Sơn là một đan viện của Dòng Xitô, tọa lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn được xây dựng từ năm 1939, là một đan viện chuyên về chiêm niệm, xuất thân từ đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn (Đan viện Mẹ Phước Sơn do Linh mục thừa sai Henri–Denis Biển Đức Thuận sáng lập từ năm 1918 tại Phước Sơn – Quảng Trị).

Ngày thứ ba 2/4: “Ra đi”
 
6h15: Đọc kinh dâng ngày tại nhà nguyện nhà khách.
 
Việc đọc kinh dâng ngày vẫn diễn ra đểu đặn và đúng giờ tại nhà nguyện nhà khách. Dù tối qua là một ngày nhiều hoạt động và kết thúc muộn nhưng mọi người vẫn ý thức dậy sớm để tham gia giờ kinh chung này một cách sốt sắng.

 
 
 
Sau 30’ đọc kinh, mọi người khẩn trương ăn sáng để lên núi Đức Mẹ. Tuy đã là ngày tĩnh tâm cuối nhưng bầu khí thinh lặng vẫn được cộng đoàn thực hiện nghiêm túc.
 
7h30: Lên núi Đức Mẹ.
 
Núi Đức Mẹ nằm cách Đan Viện tầm 500m. Đoàn người xếp ngay ngắn thành 2 hàng, vừa đi vừa đọc kinh, dẫn đầu là Cha Linh hướng. Con đường đất dẫn đến núi Đức Mẹ thân quen hóa gần gũi lạ thường. Đến chân núi, việc đọc kinh dừng lại, mọi người giữ sức để leo núi. Leo 299 bậc cầu thang vừa hẹp vừa dốc, trời vừa sáng nên sương còn đọng, đoàn người nối đuôi nhau đi chậm rãi tránh trơn trượt.
 


 
Hành trình lên núi Đức Mẹ như hành trình cùng Chúa lên đồi Sọ. Cùng Ngài bước đi để được chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài. Ngài đưa con lên, để con tắm gội trong biển khơi ân sủng và gội sạch con trong Lời Hằng Sống của Ngài.
 
8h30: Bài giảng trên núi và của Đức Tổng và Thánh lễ bế mạc.
 
Với những ai lần đầu lên núi Đức Mẹ sẽ không khỏi sửng sốt trước một không gian đặc biệt. Sau khi leo 299 bậc thang, có một hốc núi sâu, có đầy đủ tượng ảnh, bàn thờ, chỗ ngồi để tổ chức Thánh lễ. Theo như Đức Tổng kể: Ngày xưa núi Đức Mẹ được làm bằng công sức đóng góp của các thầy và giáo dân địa phương. Mỗi người khi lên núi Đức Mẹ thì khiêng theo đá, gạch tùy theo sức của mình, mỗi người một viên gạch và cứ thế dần dần âm thầm theo ngày tháng “tích tiểu thành đại” cho đến khi hoàn hành công trình tuyệt diệu này.
 

Sau khi mọi người đã ổn định, Đức Tổng bước lên trong tiếng vỗ tay chào đón. Những bài giảng tĩnh tâm của Đức Tổng luôn mang một phong cách rất riêng của Ngài. Vẫn là những câu chuyện cũ, những bài học cũ về tha nhân, về tình yêu tha nhân, về tình yêu vô biên của Thiên Chúa nhưng Ngài luôn biết cách thổi hồn để những câu chuyện trở nên lôi cuốn đến lạ. Bài giảng tĩnh tâm lần này giống một cuộc nói chuyện gần gũi và thân mật, không quá đặt nặng vấn đề tâm linh, Ngài hài hước, dí dỏm trong những câu chuyện của mình. Kết thúc bài giảng, Ngài dành thời gian cho cộng đoàn đặt câu hỏi để Ngài giải thích thêm. Rất nhiều cánh tay giơ lên, có cả những câu hỏi về Kinh Thánh hóc búa, có cả những câu hỏi đời tư ngô nghê. Tất cả đều được Đức Tổng khéo léo trả lời một cách thỏa đáng.
 


 
Vì thời gian không cho phép, Ngài hẹn những câu hỏi chưa được giải đáp một dịp khác để khép lại bài giảng và bước vào Thánh lễ. Đây là Thánh lễ bế mạc của kỳ tĩnh tâm năm nay, có lẽ cũng là Thánh lễ mà không một ai muốn kết thúc. Sau cùng, là lời cảm tạ của đại diện cộng đoàn gửi đến quý Đức Tổng, quý Cha Linh hướng, quý cha quý Thầy trong Đan Viện. Những bó hoa tươi thắm được dâng lên, những tràng vỗ tay kéo dài mãi…
 



 
13h: Chào quý Đức Tổng, quý Cha và quý Thầy

Sau 3 ngày 2 đêm tại Đan Viện, được qúy Đức Tổng Cha, quý Cha, quý Thầy yêu thương, ưu ái tạo mọi điều kiện để cộng đoàn chúng con có được kỳ tĩnh tâm trọn vẹn và ý nghĩa. Giờ đây, trước lúc ra về, đại diện Ban điều hành cộng đoàn một lần nữa có lời cảm tạ, lời chào, lời chúc sức khỏe đến các Ngài. Cầu mong Thiên Chúa luôn tuôn đổ Hồng ân gìn giữ các Ngài luôn mãi để năm sau và thật nhiều năm sau nữa, chúng con vẫn có cơ hội được đến, được sống trong tình thương và những bài học của các Ngài. Đức Tổng không quên tặng cho cộng đoàn một nụ cười trìu mến, một cái bắt tay ấm áp hệt như ngày chúng con bước đến.

 
 
Trở về với cuộc sống hằng ngày, sẽ ít đi những giây phút tĩnh lặng như hôm nay, nhưng vẫn xin Chúa giữ cho chúng con một khoảng lặng thật sâu trong tâm hồn, để chúng con vẫn luôn được gặp Người hằng ngày, hằng giờ và để mỗi ngày, đời con đều là một lần trở về trong Chúa.

14h, xe nối đuôi xe lăn bánh rời Đan Viện, tượng Chúa khuất dần sau con đường đất đá nhưng cánh tay Ngài vẫn dang rộng dưới nắng mưa thời gian…

 
 
 
Tham quan Nhà thờ Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót Bác Trạch

Như mọi năm, sau chuyến đi tĩnh tâm, cộng đoàn sẽ được tham quan một Thánh đường nổi tiếng. Năm nay, cộng đoàn được đến với Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót Bác Trạch.

 

Sau 2 tiếng trên xe khá mệt, nhưng khi đến nơi không ai không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp của ngôi Thánh đường này. Những mệt nhọc tan biến, mọi người cùng nhau chụp những bức ảnh để lưu lại những khoảnh khắc tại nơi này. Trong lúc chờ người hướng dẫn đến giới thiệu về nhà thờ, cộng đoàn tranh thủ vào Thánh đường đọc kinh, cầu nguyện.
 

 
Nhà thờ Bác Trạch thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Linh mục Chánh xứ Bác Trạch là cha Aug. Nguyễn Quang Huy. Tân Thánh đường được xây dựng với thời gian 7 năm (13/10/2006 -13/10/2013) và là nhà thờ thứ 6 trong lịch sử giáo xứ Bác Trạch. Nhà thờ Bác Trạch có chiều dài:  92,5m; chiều rộng: 32m, tháp chuông cao: 61m, tum đầu cao: 57m. Nhà thờ có gần 100 bức tượng, phù điều và tranh vẽ, cùng với hàng trăm bức tranh vẽ in trên kính; gần chục bộ cửa đại với những hình ảnh các thánh sống động và 100 bộ cửa trong kính ngoài chớp. Ngoài sự đồ sộ, lộng lẫy, nguy nga nhà thờ Bác Trạch được trang trí với những đường nét hoa văn rất tỉ mỉ và cầu kì từ cánh hoa hay đường chỉ nhỏ nhất. Với quy mô và tầm vóc của mình, nhà thờ Bác Trạch là một trong số những giáo đường lớn nhất tại Việt Nam.
 

 
Trời nhá nhem tối cũng là lúc đoàn người lên xe về Hà Nội, kết thúc kỳ tĩnh tâm Mùa Chay 2017 "Tha nhân là một Hồng Ân". Chỉ mong rằng, chúng ta không về trong đơn độc, mà về cùng Đức Kitô. Chỉ mong rằng, chúng ta không để quên Ngài ở lại, mà cùng Ngài bước vào đời.
 
Nguyễn Hạnh Thu

Ban truyền thông Cộng đoàn Vinh
Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận