Buổi rước kiệu, suy niệm về Thánh Phaolô của Cộng đoàn Phaolô
Theo Chúa là một ơn gọi rất riêng được chính Thiên Chúa ngỏ lời và con người đáp lại. Ơn gọi cũng là con đường dẫn đưa đến với Thiên Chúa, vì vậy, chẳng có con đường chung cho mọi người. Chính qua sự riêng tư ấy, Thiên Chúa đến và mời gọi mỗi người đi theo Ngài, cũng theo một nhịp bước, hành trình rất riêng. Tiếng gọi ấy có thể là ánh mắt trìu mến và khơi lên lòng sám hối như đối với ông Lêvi, người thu thuế; cũng có thể là qua biến cố lạ thường như mẻ cá đầy ắp mà các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã hết sức ấn tượng đến nỗi bỏ mọi sự mà theo Ngài. Bên cạnh đó, cũng có tiếng gọi mạnh mẽ ngang qua một biến cố đau thương: cú ngã ngựa trên đường đi Đamát của Saolô.
Saolô sinh ra trong một gia đình Do Thái, thuộc dòng dõi Itraen, trong chi tộc Bengiamin. Lớn lên Saolô đi học với thầy Gamaliên, thuộc phái Pharisêu và trở thành một người Pharisêu nhiệt thành, tuân giữ nhiệm nhặt mọi luật lệ của người Do Thái. Hơn thế nữa, Saolô còn là người hăng say bảo vệ tôn giáo của mình bằng việc bắt bớ và ngăn cản những ai theo Đức Giêsu và Hội Thánh của Ngài. Chính vì lòng hăng say ấy mà Saolô xin phép đến các hội đường ở Đamát để “tìm những người theo Đạo, bất kể đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói và giải về Giêrusalem.” (Cv 9,2)
Đang khi hừng hực khí thế và đầy xác tín vào hành động của mình, Saolô hứng chịu cú ngã ngựa đau đớn. Khi đến gần Đamát, một luồng sáng từ trời bao phủ Saolô, ông ngã xuống và nghe tiếng nói: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta?” và “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.” Saolô đứng dậy, hai mắt mở nhưng không còn nhìn thấy và ông được dẫn vào thành Đamát.
Trong biến cố ngã ngựa, Saolô được Chúa gọi bằng tên riêng Saun, được Chúa tỏ cho biết Ngài là ai và việc ông đang làm liên quan đến Ngài như thế nào. Trước mắt ông giờ đây là đêm tối, nhiệt huyết và lửa nhiệt thành bỗng vụt tắt, sức mạnh và quyết tâm dường như biến mất, để đi vào thành ông cần người khác cầm tay dẫn đi. Luồng sáng bao phủ Saolô và làm ông ngã ngựa cũng là nguồn ân sủng biến đổi và thánh hoá ông trở thành lợi khí Chúa chọn để loan báo danh Ngài cho dân ngoại. Cú ngã ngựa trên đường Đamát không chỉ là bước ngoặt đổi đời của Saolô mà còn là biến cố Chúa chiếm lấy ông như một lời mời gọi đặc biệt, mạnh mẽ và không gì cưỡng lại được. Kinh nghiệm trên đường Đamát sau này được chính Phaolô kể lại trong thư gởi tín hữu Philipphê rằng giờ đây ông coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Biết Đức Kitô là biết quyền năng phục sinh của Người và trở nên đồng hình đồng dạng với Người hầu cũng được sống lại với Người từ cõi chết. Phaolô đã lao mình về phía trước mong chiếm đoạt bởi chính ông đã được Đức Kitô chiếm đoạt. (Pl 3, 1-7. 10-12)
Điều gì đã biến một Saolô hăng say bắt bớ đạo trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và chỉ còn biết Đức Giêsu là cùng đích cuộc đời? Chẳng phải mọi sự bắt đầu từ cú ngã ngựa xưa trên đường Đamát, nơi đó Thiên Chúa ngỏ lời và biến đổi ông thành người chứng nhân về ân sủng và ý định của Chúa cho muôn dân. Cú ngã thật đau, mọi thành tựu trước kia theo đó mà tàn lụi, đồng môn xưa giờ đây trở thành đối thủ của nhau. Phaolô bất chấp tất cả vì đã tìm được ơn gọi đích thực của mình là Đức Kitô và trong suốt quãng đời còn lại của mình, Phaolô đã sống hết mình đến hy sinh mạng sống hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu.
Các bạn thân mến,
Chúng ta có thể không có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa cách tỏ tường như thánh Phaolô nhưng chắc chắn Chúa vẫn mời gọi ta mỗi ngày ngang qua tiếng gọi nơi tâm hồn, từ một lời nói bất chợt nghe được hay thậm chí ngang qua những biến cố trong đời. Có những biến cố xảy ra ngoài ý muốn và rất khó chấp nhận, nhưng sau đó khi nhìn lại trong bình an và ơn soi sáng, ta nhận ra bàn tay Chúa dẫn đưa cách kỳ diệu. Để lớn lên trong đức tin, đôi khi cần những thử thách. Một khi được tôi luyện, đức tin sẽ trưởng thành và lớn mạnh hơn.
Các bạn có giám để tình yêu Chúa quật ngã các bạn, để từ cú ngã ấy bạn nhận được con đường đích thực dẫn các bạn đến nước Thiên đàng hay không?
Nhận Thánh Phao-lô làm thánh quan thầy bổn mạng, các bạn đã bao giờ học biết, suy niệm về Người chưa! Các bạn có sẵn sàng làm theo người chưa. Có biến cố nào trong cuộc sống chúng ta có dám thẳng thắn hỏi : “ Lạy Chúa Ngài là ai? Hay các bạn vẫn xem Thiên Chúa như một điều gì đó xa lạ cao vời! Các bạn đã bao giờ nhìn thẳng vào đức tin của mình hay chưa , hay cũng chỉ được chăng hay chớ?
Vâng trong cuộc sống có biết bao dự định, ước mơ bạn còn phải làm. Và cũng biết bao câu hỏi mà các bạn trẻ như chúng ta cứ thắc mắc. Đã bao giờ bạn nhìn vào những thực tại cuộc sống, những thất bại, chán chường mà cuộc sống mang lại vẫn luôn tìm về bên Chúa mà thân tình hỏi Chúa: “Con phải làm gì?”.
Quả là khó khi yêu một điều gì đó vô hình, quả là khó khi tin vào những điều huyền diệu đã đi vào quá khứ, nhưng chúng ta hãy nhìn vào gương Thánh Phao-lô, Ngài đã cống hiến cả cuộc đời Ngài để nên như một lời chứng hùng hồn về Đức Ki-tô. Vậy chúng ta, những bạn trẻ mang trong mình bầu nhiệt huyết cũng nêu gương thánh nhân mang Chúa đên cho mọi người. Đó có thể là người cùng xóm trọ, bạn cùng phòng, bạn cùng lớp…biết đâu được bằng cách sống tình yêu trao ban họ sẽ cảm nhận được Đức Ki-tô.
Anh chị em Cộng Đoàn Phao-lô Thân mến! Cộng Đoàn chúng ta quy tụ về đây, dưới chân Chúa, bên thánh Phao-lo chúng ta cũng phải luôn đặt cho mình câu hỏi: chúng ta đến đây để làm gì? Chúng ta phải làm gì cho anh em, chúng ta sẽ làm gì cho Chúa.
Vâng thưa anh em trong gia đình ấm cúng này chúng ta đã tránh được bao lưỡi hái như sẵn sàng chụp vồ chúng ta bất cứ lúc nào. Thế giới ngoài kia biết bao cạm bẫy, bao dối lừa, đầy rẫy tội lỗi. Các bạn nên ý thức được nơi đây chúng ta ý thức tìm được con đường chúng ta sẽ đi. Cũng nơi đây mỗi người chúng ta vô hình đã tìm được con đường mình đi. Vì vậy cuộc sống hôm nay luôn mời gọi chúng ta trở nên như Thánh Phao-lô biết từ bỏ con đường sai lạc để một lòng trở về phụng sự và trao ban tình yêu Chúa Ki-tô cho mọi người!
Xin Chúa giúp mỗi thành viên ta nhạy bén hơn với những tiếng mời gọi của Ngài để không ngừng lắng nghe và đáp lại lời mời gọi ấy vì biết rằng làm theo lời Chúa dạy, ta sẽ khám phá ra ơn gọi của chính mình, gặt hái được hoa trái tốt lành và là bằng chứng sống động cho Chúa giữa đời sống hôm nay.
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận