Cộng đoàn Phanxicô Assisi: Yêu thương từ những điều bé nhỏ...
Cuộc sống ở trần gian này của con người hoàn toàn không hề giống nhau. “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Chúng ta cứ "than nghèo kể khổ" nhưng hãy nhìn xuống dưới chúng ta có biết bao số phận còn ngặt nghèo hơn, cùng cực hơn nữa. Chúng ta đã một lần nghĩ đến họ chưa? Tất cả đều là tạo vật của Chúa. Vậy nên chúng ta cần phải sống tinh thần nghèo khó như thánh Phanxicô Assisi xưa và Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện nay.
Xuất phát từ suy nghĩ, từ tinh thần nghèo khó đó, những bạn trẻ của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, hiện sinh sống, làm việc và học tập tại khu vực quận Thanh Xuân, Hà Đông đã chọn thánh Phanxicô Assisi làm Quan thầy với mong muốn sống tinh thần nghèo khó của Ngài.
Cộng đoàn Phanxicô Assisi không “ồn ào náo nhiệt”, không mạnh về các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nhưng âm thầm, lặng lẽ, hi sinh sống tinh thần nghèo khó của Thánh nhân Quan thầy.
Hạnh phúc biết bao khi tôi là người con Giáo phận Vinh, là thành viên của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội và càng tự hào thay khi được sinh hoạt trong Cộng đoàn Phanxicô Assisi. Ở đó tôi được cảm thấy dạt dào tình người, ở đó tình yêu thương như vô bờ vô bến, ở đó tôi không còn thấy mình cô đơn không còn thấy mình thiếu thốn nữa. Và chính tại đây đã cho tôi sự đồng cảm, một sự đồng cảm đáng có nên có và phải có từ lâu rồi mới phải. Rất nhiều các hoạt động của Cộng đoàn mà ở đó chứa đầy sự đồng cảm, bác ái. Mới đây nhất là chuyến đi viếng các thai nhi cùng Cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm. Còn chiều hôm nay Cộng đoàn chúng tôi lại có dịp đi thăm người già neo đơn.
Đúng 17h chúng tôi có mặt ở cổng Học viên Y học Cổ truyền. Mặc dù người ở Cầu Tó, người tận Ba La, Hà Đông, có người tít mãi Hoàng Mai nhưng nhờ “tinh thần” Phanxicô, những chiếc xe đạp nhỏ bé trở phương tiện đưa chúng tôi đi trên hành trình thăm người gia neo đơn.
Len lỏi giữa phố phường đông đúc Hà Nội, chúng tôi đã vào con phố nhỏ thuộc làng Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ bé lọt thỏm mất hút giữa những tòa nhà chọc trời xung quanh, đó là nhà của một cụ già năm nay đã ngoài 70.
Chúng tôi vào nhà thăm hỏi cụ, cụ rất niềm nở, vui vẻ vì đã lâu lắm rồi chưa có ai một lần đến thăm hỏi cụ. Cụ kể: “Ông khổ lắm. Sống một mình không ai nương tựa cả. Vợ con bỏ đi lâu lắm rồi, cụ sống một mình mà bệnh tật lại hoành hành, phải đi viện mà không có tiền họ lại trả về. Bệnh tật thì không nói làm gì nhưng ở một mình buồn và tủi thân lắm các cháu ạ. Hôm nay có các cháu đến thăm ông mừng lắm!”
Nghe đến đây tôi như trào nước mắt và có lẽ các thành viên khác cũng vậy. Thương cụ, nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì hơn vì chúng tôi chỉ là sinh viên. Gửi tặng cụ một ít tiền và một ít mì tôm, sau đó dọn dẹp lau chùi lại ngôi nhà đã cũ nát và bốc mùi của cụ. Mong sao cụ sống thật lâu và hứa với cụ là sẽ thường xuyên đến thăm và dọn dẹp nhà cho cụ.
Ở nhà cụ một lúc, đoàn chúng tôi ra về trong im lặng. Có lẽ đó là lúc mà chúng tôi thinh lặng để nhìn về bản thân, nhìn về những mảnh đời bất hạnh và như tự nhủ với bản thân rằng hãy biết đồng cảm sẻ chia cùng nhưng mãnh đời bất hạnh. Đừng bao giờ “than nghèo kể khổ” mà cần phải cố gắng, cố gắng hết sức vì còn có nhiều mảnh đời bất hạnh hơn chúng ta. Tôi cũng như các thành viên khác luôn tự nhủ rằng phải biết đồng cảm với tất cả mọi người, phải siêng năng làm việc bác ái. Vì tất cả con người đều là anh em của nhau, là con cái Thiên Chúa.
Cầu chúc cho cụ, cho những người bất hạnh được tìm thấy niềm vui niềm hạnh phúc. Và cầu chúc cho chúng ta được hợp nhất nên một trong Đức Giêsu Kitô.
NguyenNgoc Human
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận