"Bài giảng trên núi" của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: 5 vấn nạn của thế giới hiện đại

  • Share this:
Như một đặc ân dành cho Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, dịp tĩnh tâm năm nay Cộng đoàn lại vinh hạnh được lắng nghe và ghi nhớ những bài giảng tĩnh tâm đầy ắp sự chiêm niệm, thể hiện một trí tuệ uyên bác của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt.
post-title


Sau bao thăng trầm của cuộc sống, Đức tổng vẫn minh mẫn, mạnh mẽ và đầy nhân đức. Ngài vững vàng bước 300 bậc thang lên núi đá Đức Mẹ để đồng hành, sẻ chia, tĩnh tâm cho Cộng đoàn. Bài giảng tĩnh tâm trên núi vỏn vẹn chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng đã đúc kết được những vấn nạn nhức nhối của thế giới hiện tại, bên cạnh đó Ngài cũng đã đưa ra các phương cách để giải quyết các vấn nạn mà xã hội loài người đang phải đau đầu đối diện. Theo Đức tổng, thế giới đang phải đối diện 5 vấn nạn nhức nhối:

1. Tục hóa

Dường như trong mọi thời đại bản tính xấu xa trong con người và những mưu mô của ma quỷ luôn tìm mọi cách để tục hóa đời sống nhân loại. Đủ triết thuyết đưa ra hòng phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng chân lý về tình yêu bất diệt của Thiên Chúa vẫn luôn tồn tại vĩnh hằng. Chủ thuyết tiến hóa phủ nhận sự sáng tạo của Thiên Chúa, chủ thuyết tương đối phủ nhận tính tuyệt đối của Thiên Chúa…

Cách đây không lâu chủ thuyết vô thần của Cộng sản nhằm phủ nhận Thiên Chúa đã "làm mây làm gió" trên thế giới, nó tựa như một con rắn nằm quấn quanh địa cầu mà đầu rắn là Liên Xô đã tìm mọi cách dụ dỗ con người lìa xa Thiên Chúa, nhưng tất đều đi vào lãng quên trước sự tiến triển của nhân loại, người ta không còn tin con người tiến hóa từ khỉ, người ta không còn coi vấn đề gì cũng là tương đối và ngày nay chủ nghĩa Cộng sản đã bị Đức Mẹ đạp giập đầu (Liên Xô được xem là đầu rắn) có chăng còn sót lại một vài hình ảnh mà lời nói thêu dệt còn vướng đọng về một chủ nghĩa Cộng sản không tưởng, mù mờ.

Ngày nay tục hóa đời sống con người không phải mạnh nhất ở các chủ thuyết, nhưng một thứ rất gần gũi với con người: đồng tiền. Dường như mọi mầm mồng của tội lỗi đều xuất phát từ tiền tài, có nhiều người quan niệm cái gì cũng mua được bằng tiền, kể cả thượng đế, so sánh “tiền là tiên là Phật”, rồi thì nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, nếu không mua được nữa thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Và chính lòng tham đồng tiền và vinh hoa thế tục khiến cho con người quay cuồng trong vòng xoáy tội lỗi để hòng tìm cho mình lợi hèn thế gian.

Để đạt được mục đích kim tiền con người sẵn sàng xúi dục cỗ võ chiến tranh để bán vũ khí, để đạt được doanh thu con người có thể chà đạp lên nhân phẩm và mạng sống con của nhau. Tiền bạc có thể coi là đối thủ đáng gờm, dai dẳng nhất đối trọng với tình yêu Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, tiền bạc khiến thế giới ngày càng tục hóa và mất dần bản tính nguyên sơ chân thiện của con người – hình ảnh của Thiên Chúa.
 
2. Phân hóa

Thế giới đang phân hóa ngày càng rõ rệt, các nước giàu thì càng giàu có thêm, các nước nghèo thì càng nghèo đi. Chênh lệch cuộc sống đang ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn. Thế giới phân cực thành hai trạng thái đối trọng: giàu và nghèo rõ rệt. Dường như sự phân bố của cải, mức sống trong xã hội bị điều khiển bởi lòng tham của con người và sự tục hóa của đồng tiền. Nguyên lý hợp nhất trong tình yêu thương Kitô giáo đang đứng trước vấn nạn bị phân hóa bởi thế lực trần gian.

Bên cạnh đó phân hóa về quyền lực giữa các quốc gia về tiềm lực tài chính cũng như vũ khí đẩy nhân loại trước tình trạng những cuộc chiến tranh, giết chóc tiềm ẩn đầy nguy cơ.
 
3. Mất dần ký ức tôn giáo

Tôn giáo là nền tảng của đạo đức con người, ngay từ thủa sơ khai tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có trước chính trị, nhưng ngày nay chính trị vì đặc quyền đặc lợi đang tìm mọi cách để làm lu mờ ảnh hưởng của tôn giáo để hòng cai trị con người dưới những hình thức bóc lột khác nhau.

Trong hệ thống các tôn giáo, đức tin Kitô giáo ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của toàn bộ đời sống nhân loại, dù bất cứ nơi nào, dù bất cứ dân tộc nào, lương tâm con người luôn diễn tả sống động đức tin Kitô giáo. Văn hóa Kitô giáo đã kiến tạo thế giới nhân bản đầy tốt đẹp. Tuy nhiên với sự phân hóa, tục hóa và sự phá hoại của ma quỷ con người thời nay đang tìm cách để làm lu mờ đi hình ảnh của Kitô giáo đó là vấn nạn mà Giáo hội phải luôn quan tâm và chú trọng.
 
4. Tàn phá

Thế giới ngày nay đang bị tàn phá nặng nề, tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, sự phá hủy của những loại vũ khí tối tân, các nước chạy đua vũ trang để mong chiếm thế thượng phong trong trò chơi chính trị, môi sinh, môi trường ngày càng ô nhiễm đưa con người sống trong tình trạng bệnh tật đe dọa từng ngày.

Điều tàn phá nguy hiểm nhất, đáng quan ngại nhất là phá hủy lương tâm con người, dường như lương tâm con người ngày càng chai sạn, trơ cứng, đã bị lu mờ bào mòn bởi những lợi hèn thế tục và các tư tưởng sai lệch trên con đường đi tìm chân lý để lại cho thế giới loài người những tâm hồn nhu khuyết, yếu hèn.
 
5. Mâu thuẫn

Các mặt đối lập, mâu thuẫn chất chứa trong mọi khía cạnh đời sống tâm lý cũng như thể lý. Người ta cho rằng tất cả chỉ là tương đối, kể cả Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối, ấy vậy mà chính những người đưa ra chủ thuyết lại bắt người khác tin tuyệt đối vào chính chủ thuyết của họ. Dân số ngày càng già đi, nhưng không ai chịu sinh con, ai cũng muốn bo bo giữ mạng sống cho chính mình. Các nước lớn cấm cách nước khác không được sử dụng vũ khí, nhưng chính họ lại sử dụng những vũ khí tối tân với mục đích “mỹ miều” mang lại hòa bình cho thế giới? Rồi chính trong tâm hồn mỗi người cũng chất chứa nhiều điều đối lập giằng xé từng ngày từng giờ khiến cho bình yên cuộc sống không còn như thủa ban sơ.

Đó là những vấn nạn chính của thế giới ngày nay, vậy đứng trước vấn nạn đó con người phải làm sao?

Có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng cốt lõi và quan trọng nhất là con người phải khiêm nhường quay về bên Chúa, về với Kinh Thánh để tìm được ngọn nguồn chân lý. Tựa như Thánh Phanxico Assisi từ bỏ tất cả thế tục để kiếm tìm tình yêu, Ngài xem mọi tạo vật như là anh em cùng một Cha trên Trời. Những thôi thúc tâm linh đòi buộc con người phải tìm về suối nguồn sống đích thực: chính là Thiên Chúa. Với người Kitô hữu phải chuyên chăm cầu nguyện, sống chứng nhân Tin Mừng và chung tay dựng xây thế giới tốt đẹp hơn.




 
Theo bài giảng tĩnh tâm trên núi của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Hà Nội, ngày 02.04.2013

Giuse Trần Tro Bụi


 
Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận