Cộng đoàn Vinh tĩnh tâm Mùa Chay và mừng lễ Phục sinh tại Đan viện Xitô Thánh mẫu Châu Sơn
Hòa cùng những bản Thánh ca du dương và không khí tĩnh mịch chiêm niệm, những con tim hiện diện nơi đây cùng chung một nhịp đập bồi hồi khi được đồng hành cùng Đức tổng Giuse, các linh mục, đan sỹ và giáo dân cử hành thánh lễ tưởng niệm biến cố Chúa phục sinh.
Với người Kitô hữu, thánh lễ Phục sinh là thánh lễ quan trọng diễn tả lại mầu nhiệm cốt lõi nhất của đức tin Kitô giáo – mầu nhiệm Phục sinh. Biến cố Phục sinh khiến cho biết bao nhiêu học giả tốn nhiều giấy mực để bàn về. Trong bài giảng của Cha đồng hành trong thánh lễ Vọng và của Đức tổng Giuse trong thánh lễ Phục sinh ta suy niệm được ra nhiều khía cạnh đời sống Đức tin, điều cốt lõi nhất ta hiểu được những căn nguyên của niềm tin phục sinh, niềm tin Chúa Giêsu đã chịu chết và phục sinh. Tóm gọn trong các bài giảng khẳng định Chúa Giê su đã sống lại vì những căn nguyên sau:
Cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đã được tiên báo từ trước trong Kinh Thánh Cựu Ước: Hàng trăm năm trước khi Chúa Giêsu được sinh ra, Kinh Thánh ghi lại lời của các vị tiên tri của Israel, người trước đó đã thông báo đến Đấng Cứu Thế. Cựu Ước được viết bởi nhiều người hơn 1500 năm, có hơn 300 mô tả đến những lời tiên tri về Chúa Giêsu. Đó là biến cố Vượt qua biển Đỏ của dân Do Thái (Sách Xuất hành), sự kiện rắn đồng trong sa mạc, “Tuy nhiên, khi họ biết ăn năn hối cải, Thiên Chúa đã ra lệnh cho Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên một cây cột và hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu sống.” (Ds 21, 4-9), hay những lời tiên tri chính xác về Đấng Mêsia của tiên tri Daniel. Tất cả những mạc khải của Thiên Chúa trong cựu ước về Đấng Cứu Độ đều xảy ra chính xác nơi cuộc đời Chúa Giêsu.
Diễn tiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu được Tin Mừng trình thuật lại: Trong Kinh Thánh Tân Ước, nhiều lần chính Chúa Giêsu đã nhắc đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” (Mt 17, 22-23), (Mc 9, 30-32), (Lc 9, 43b-45). Đồng hành cùng những bước chân Chúa Giêsu đã đi qua ta sẽ bắt gặp những biến cố kỳ lạ đầy huyền nhiệm minh chứng cho những lời báo trước của Chúa Giêsu: biến cố Giáng sinh, ngôi sao dẫn đường, Chúa Giêsu chữa lành những kẻ ốm đau, bệnh tật, trừ quỷ, đi trên mặt biển, hóa nước thành rượu, hóa bánh ra nhiều cho người chết sống lại… Đúc kết trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu trong bốn Tin Mừng đều cho thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban để cứu chuộc nhân loại.
Những chuyển động thể lý và tâm lý: Theo dõi bốn Tin Mừng ta đều thấy những chuyển động thống nhất về thể lý và tâm lý trong biến cố Chúa Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh. Về thể lý có những chuyển động rõ ràng mà tất cả nhân loại thời đó đều cảm nhận được trong giây phút Chúa Giêsu chịu tử nạn: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.” (Mt 27, 45-51), (Mc 15, 33-38), (Ga 19, 28-30), (Lc 23, 44-46). Sự kiện ngôi mộ trống, với những người mỏng giòn yếu đuối, không chức tước như các Tông đồ không thể đánh cắp xác Chúa Giêsu được táng trong ngôi mộ có tảng đá nặng đè lên từ tay các lính canh La Mã. Hơn nữa không ai trộm xác người mà vẫn dành thời gian để xếp lại khăn liệm gọn gàng.
Về chuyển động tâm lý, theo dõi Tin Mừng ta sẽ thấy những biến chuyển tâm lý trong tất cả những người chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh, họ hân hoan chào đón Chúa Giêsu vào thành Giêsusalem vì nghĩ rằng Chúa Giêsu là một vị vua đầy quyền lực thế trần. Khi thất vọng, chính những người đó lại hò hét đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Nhưng khi chứng kiến những sự biến chuyển kỳ lạ sau khi Chúa tử nạn thì “thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.” (Lc 23, 47-48). Người dân Do Thái luôn được xem là dân tộc thông thái, với lý trí của họ nếu những hiện tượng thể lý không xảy ra thì việc họ nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ là điều không tưởng, nhưng Thiên Chúa đã làm những điều lạ lùng nơi Chúa Giêsu để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.
Những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh: Sau khi phục sinh cho đến khi lên trời, Chúa Giêsu hiện ra mười một lần, hiện ra cùng các môn đệ và những người biết Ngài, có lúc Ngài hiện ra với hơn 500 người cùng lúc. Chúa đã chứng minh rằng sự hiện diện của Chúa không phải ảo giác, bởi vì họ đã ăn và nói chuyện với họ và họ chạm vào Ngài. Và sau này Chúa Giêsu đã hiện ra, mặc khải hình ảnh ơn cứu độ của Ngài cho các thánh nhân như Thánh Faustina, Thánh Anton Viện phụ, Thánh Phanxico...
Những lời chứng và người làm chứng: Các mộn đệ và những người chứng kiến và tin nhận Đức Giêsu đã đổ máu ra để minh chứng cho Đức tin của mình, trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã có biết bao thánh nhân anh dũng hy sinh để làm chứng cho Chúa Giêsu là đấng cứu độ đã chịu chết và phục sinh để cứu độ nhân loại, sở dĩ như vậy vì Chúa Giêsu là chân lý, ơn cứu độ của Ngài là sự thật vĩnh hằng.
Hội Thánh của Thiên Chúa: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh như thân thể Người, đã tồn tại qua gần hai nghìn năm, dẫu cho biết bao cuộc bách hại, thử thách, gian nan. Hội Thánh của Chúa đã lan rộng khắp thế giới, ảnh hưởng sâu đậm đến hết thảy nhân loại. Hội Thánh hiệp nhất, tinh tuyền cũng là một lời chứng sống đồng hùng hồn về Chúa Giêsu đã phục sinh.
Mạc khải của Thiên Chúa: Mỗi một con người dù bất kỳ ai, sống trong thời đại nào nếu nhìn sâu và tâm hồn mình đểu bắt gặp những hình ảnh và lời dạy của Đức Kitô và thấy lại được cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài trong mọi biến cố cuộc đời. Qua mọi thời đại, Thiên Chúa đều mặc khải Mầu nhiệm Phục sinh đến với con người và chỉ có như vậy con người mới tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô đã chết và phục sinh để cứu chuộc nhân loại.
Và còn nhiều điều chứng để chúng ta tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đã tử nạn và phục sinh ban lại sự sống vĩnh hằng cho nhân loại. Trong đại lễ này nguyện mong Chúa Giêsu mang ngọn lửa phục sinh đến chiếu soi những tâm hồn u tối, mang nguồn nước trường sinh từ cạnh sườn Người tưới mát, rửa sạch những thân phận tội lỗi, mang bánh thân thể của Ngài nuôi dưỡng nhân loại trong cuộc lữ hành Đức tin.
Nguyện xin ánh sáng từ biến cố Phục sinh soi dẫn Cộng đoàn chúng con ngày càng tiến mạnh trong Đức tin, Đức cậy, Đức mến. Và sau đợt tĩnh tâm này sẽ trổ sinh nhiều hoa trái Đức tin để chiếu tỏa ánh sáng Phục sinh đến cho muôn người.
Theo bài giảng của Cha đồng hành và Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Hà Nội, ngày 01.04.2013
Giuse Trần Tro Bụi
Giuse Trần Tro Bụi
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận