Thánh lễ đầu tháng 12: Chương trình "Bát cơm Chúa Hài đồng 2012" và cuộc thi "Nhảy cùng Giêsu"
Lịch sử các bài cử điệu
Từ thủa ban sơ, con người đã được Thiên Chúa mạc khải về tình yêu bao la của Đấng Tạo Hóa. Khi cảm thức được về tình yêu thương và công trình sáng tạo vĩ đại của Thiên Chúa, con người đã ca khen cảm tạ tình yêu của Ngài bằng những lời cầu nguyện, tạ ơn, thơ ca và đỉnh cao được thể hiện trong âm nhạc. Từ thời trung cổ Thánh vương Đa-vid đã có những bài thánh vịnh vang mãi qua mọi thế hệ:
“Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”
(Tv 8,2).
Hay:
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24).
Và từ âm nhạc, những cử điệu đơn giản từ nhạc cụ được vang lên: “Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người. Hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang” (TV 149).
Đến thời tân ước, khi Đức Mẹ viếng bà Elizabeth, Thánh Gioan Tẩy giả đã nhảy mừng trong bụng mẹ: “Bà Elizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhảy mừng cùng nhân loại trong tiệc cưới.
Tin Mừng được lan rộng trên toàn cầu, đi sâu vào các nền văn hóa các dân tộc khác nhau, và mỗi nơi lại thể hiện những lời ca tụng Thiên Chúa bằng những cử điệu khác nhau, đặc biệt ở Ấn Độ những bài cử điệu thường xuyên xuất hiện trong các sinh hoạt Công giáo.
Ở Việt Nam, âm nhạc Công giáo là nền tảng cho các hình thức âm nhạc Việt Nam, theo tiến trình phát triển, trong các nghi thức phụng vụ âm nhạc phát triển theo các hình thức:
• Đọc kinh (đọc chung những bản kinh và ngắm chung những bài ngắm)
• Đọc sách (còn gọi là giảng sách: đọc những loại sách suy gẫm)
• Dâng lời cầu nguyện (quý chức đọc những kinh cầu nguyện)
• Xướng - đáp trong thánh lễ (các công thức chủ tế xướng, cộng đoàn đáp).
Những bản thánh ca ngày càng phong phú và đa dạng, chưa có thể thống kê những có lẽ âm nhạc Công giáo có số lượng đồ sộ nhất trong nền âm nhạc của Việt Nam Hòa, theo giai điệu bài thánh ca, giới trẻ Công giáo đã sáng tác ra những cử điệu sinh hoạt để tiến hành trong các buổi sinh hoạt, và ngày hôm nay, các bài cử điệu không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt Công giáo.
Ý nghĩa của các bài cử điệu
Ca tụng tình yêu Thiên Chúa: Những bài cử điệu thể hiện niềm tri ân cảm tạ mỗi người chúng ta với Thiên Chúa, có thể coi cử điệu cũng là một lời kinh tán tụng tình yêu Thiên Chúa.
Minh họa sứ điệp: bài hát có cử điệu trong giáo lý thường là các bài ca ý lực, diễn ý các câu Lời Chúa, diễn tả cách đơn giản các mệnh đề tín lý và luân lý, có thể dùng trong sinh hoạt hoặc cầu nguyện ở đầu, ở giữa hay ở cuối tiết dạy giáo lý, sinh hoạt.
Mang mọi người lại gần nhau: Bài hát có cử điệu luôn tạo được sự vui tươi linh hoạt, làm nên tâm tình hiệp nhất trong tập thể, xóa nhòa mọi cách biệt tuổi tác, phái tính, trình độ và tâm lý bỡ ngỡ hoặc khép kín trong các dịp họp mặt, lửa trại, sinh hoạt vòng tròn ngoài trời... Khi các giai điệu cất lên, niềm cảm hứng yêu thương từ các cử điệu sẽ mang mọi người lại gần nhau hơn, khi tham gia cử điệu, chúng ta sẽ không còn phân biệt bạn là ai, bạn là người như thế nào, khi đó mọi người tay trong tay hòa chung niềm vui, hòa chung sự sẻ chia, và yêu thương trong tình yêu Thiên Chúa.
Góp phần giáo dục: bài hát có cử điệu chuyển tải được các nội dung giáo dục hướng thượng và vị tha một cách nhẹ nhàng mà lại thấm thía, tránh được kiểu nói nặng về huấn đức khô khan. Cũng chính vì vậy trong các hội đoàn thiếu nhi cử điệu rất được chú trọng và nên phát triển hơn nữa.
Rao giảng Tin Mừng: Hiếm có một môi trường nào hiệp nhất và đầy yêu thương như các hội đoàn Công giáo trong các bài cử điệu. Chúng ta nhảy với niềm yêu thương chia sẻ. Và khi một ai đã một lần chứng kiến tình liên đới hiệp nhất đó sẽ cảm nhận được Tin Mừng đang trổ sinh trong lòng họ. Đặc biệt ở Việt Nam, con người, nhất là giới trẻ đang bị mất phương hướng bởi tư tưởng của ngạo khí vô thần, họ cần biết đến Tin Mừng qua những bài cử điệu đầy tính chất nhân văn và yêu thương.
Cuộc thi linh hoạt viên “Nhảy cùng Giêsu” đã diễn ra thành công với nhiều ý nghĩa sâu sắc, niềm vui tràn ngập trên các thành viên tham dự. Chắc chắn trong tương lai, Cộng đoàn sẽ sôi nổi, đoàn kết, hiệp nhất trong các bài cử điệu.
Với những ý nghĩa của các bài cử điệu mong muốn một ngày sẽ có cuộc thi linh hoạt viên toàn Giáo hội Việt Nam, nguyện xin Chúa thương để một ngày các bài cử điệu của yêu thương sẽ không chỉ diễn ra trong các Thánh đường, trong các hội đoàn Công giáo mà trên bất cứ ngõ ngách đường phố, để con người cảm nghiệm sâu sắc tình yêu bao la Thiên Chúa dành cho loài người.
Hà Nội, 03.12.2012
Giuse Trần Cương
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận