Ký sự Người lữ hành

  • Share this:
Đây là một câu chuyện tôi viết lại từ một lần đến Đan viện Châu Sơn! Những cảm giác và kỹ niệm tuyệt vời vẫn còn đọng lại mỗi khi tôi đọc lại nó! Anh chị em sắp đi tĩnh tâm ở Châu Sơn hãy đọc đôi dòng ký sự này! Bạn sẽ biết thêm được nhiều thông tin cần thiết về Đan viện.
post-title


"Tôi vẫn luôn hát những khúc ca bỏng cháy
Hoà dòng người từng ngày không lẫn mình với ai
Tôi không quen cho mình nhiều đắn đo khi đứng trước nhiều lối rẽ
Bình thản trong gian nan tin ở chính mình!”
 
("Rung chuông vàng" - Bức Tường)
 
Bài rock làm tôi tỉnh giấc, thẫn thờ nhìn vào khoảng tối đã vương vãi một chút ánh sáng yếu ớt đầu ngày chui tọt qua khe khung cửa sổ khép hờ. Thở dài, chán chường, và sợ hãi tôi lại trùm chăn kín lên đầu, muốn ngủ vùi…để lãng quên…mặc kệ mọi thứ.
 
“Dù thật lòng tôi biết bước chân mình nhỏ bé
vươn vai lên ít nhất cũng thấy mình lớn hơn
Tôi không lo rơi vào trong lãng quên, 
mong được nhớ in sâu từng khoảnh khắc
Nở nụ cười rạng rỡ trên đài cao.”
 
("Rung chuông vàng" - Bức Tường)
 
Lần nữa luân khúc bài hát từ điện thoại làm tôi không khỏi cáu kỉnh, bực dọc… bài hát này, mấy năm nay đã như một người bạn chí thân dục tôi thức dậy, chào ngày mới và lao vào cuộc sống với một niềm vui sướng tràn ngập, một sức sống tràn trề cùng những động tác vươn vai sảng khoái. Đó là thói quen chào một ngày mới của tôi, những bản Rock và một tâm hồn rạo rực chào đón cuộc sống tươi đẹp…nhưng khi tâm trạng bấn loạn, những điều yêu thích trước kia trở nên gàn dỡ, nhạt nhẽo.
 
Nhưng sáng nay sao tôi cảm giác chán chường đến vậy, sau khoảng tối này những ánh sáng kia có xua đuổi hết những bóng đen trong suy nghĩ của tôi chăng? Tôi sợ phải đối diện với cuộc sống, tôi sợ phải đối diện những rắc rối triền miên…những sợ hãi vô hình làm tôi run run khi vươn vai mở cửa cho ánh sáng ôm trọn con người tôi…khẽ thở dài:
 
-Haizz... Dù buồn hay vui thì ngày mới vẫn đến, cuộc sống vẫn tiếp diễn! Ôi! Chúa ơi! Con phải làm gì đây? Cuộc sống sao chán chường quá Chúa ơi?!...
 
Mặt trời như gom hết nắng đổ xuống những con đường, bị bóp nghẹ giữa những mái nhà cao tầng, khiến không khí Hà Nội nóng bức hơn. Hơi nóng làm tôi bứt rứt, áo ướt đẫm và bàn chân như muốn rã rời sau khi bước vào chiếc xe khách màu đỏ đằng trước có ghi hai hàng chữ lập lòe bởi hơi nước bốc lên: “Xe đi Nho Quan-Ninh Bình”...
 
Tôi thẫn thờ nhìn qua khung kính chiếc xe, có một đoạn đường ấy vậy mà cuộc sống sinh động trước mắt làm tôi phải căng tròn trong những suy nghĩ…lọt thỏm giữa những nhà máy bốc khói nghi ngút, những ngôi biệt thự cao tầng là những ngôi nhà xiêu vẹo, cuộc sống tương phản cách lạ kỳ, dưới những ngọn đồi khô khốc và đỏ nắng, những người nông dân vẫn mãi miết làm đồng mặc cho ánh nắng chói chang như bủa vây và thiêu sống họ, bao điều thật lạ kỳ…dưới ánh nắng chói chang vậy mà những cây lúa vẫn hiên ngang xanh mướt phất phơ theo chiều gió…
 
Xe dừng lại ở ngã ba đổ xuống những hành khách với đích đến giống như tôi... tôi vẫn ngồi bất động, thẫn thờ như muốn ngồi lại nơi chiếc ghế êm mềm, ngồi lại cùng những suy tư khí ánh mắt được no thỏa ngắm cảnh vật, tôi muốn ngồi mãi nơi đó mặc cho xe đưa tôi đi đến đâu thì đưa, tôi không muốn bước xuống đường…tôi muốn chạy trốn…
 
“Chú đi Đan Viện Châu Sơn đâu rồi? Xuống xe đi kìa…à chú xuống đây rẽ vào đi hết con đường mòn này là đến Đan Viện, đi khoảng hai đến 3 “cây số” là đến đó”…
 
Ngập ngừng bước xuống khỏi xe, mặc cho ánh nắng đang thi nhau táp vào khuôn mặt, tôi đi vô định như lê bước chân trên con đường đá khô khốc…Hai bên đường là cả khoảng không những cánh đồng dài đến bất tận, một màu xanh yên bình của lúa được làn hơi nước bay lên làm hình ảnh thêm dập dềnh trong ánh mắt tôi…chiếc bóng vẫn theo tôi lặng thầm, mãi miết, kiên nhẫn.
 
Tôi mệt lã vì đói, khát, và buồn nản…cuốc bộ hơn 3 cây số làm mắt tôi hoa lên khi phía kia thấp thoáng ngôi Thánh đường có tượng Chúa Giêsu đang giang tay như muốn ôm lấy nhân loại, như người cha giang tay ôm chầm lấy những người con hoang đàng…
 
Theo tôi được biết Đan viện Châu Sơn - Ninh Bình được xây dựng từ năm 1939. Đan viện nằm sâu trong lòng xã Chúc Sơn huyện Nho Quan vẫn có một sức hút mãnh liệt với nhiều người hành hương đến đây tĩnh tâm, cũng như du khách về tham quan những kiến trúc của Đan viện.
 
Không  gian biệt lập với khu dân cư, Đan Viện tọa lạc giữa một vùng non nước hữu tình, phóng khoáng. Dãy núi mờ xanh sau lưng, hồ nước trong veo trước mặt. Không gian thấm đẫm một cảm giác thanh đạm, bình yên, u tịch.
 
Phía bên phải đền thờ có hai Đan sỹ đang bì bõm dưới nước để di chuyển những hòn đá từ phía bờ hồ này sang bờ hồ khác bằnng chiếc bè ghép từ những cây tre dài. Trông họ như những người thợ đá thời xa xưa. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên khi thời đại bây giờ mà họ vẫn dùng những công cụ thô sơ, nhưng ngẫm lại họ đang “tu” hành động khiến cho người đời ngạc nhiên và chê cười đó chứa đựng một phương cách luyện tập của các bậc Thánh nhân...
 
Tay tôi chạm cánh cổng đan viện lúc chiếc bóng dưới chân tôi nằm gọn lại, tròn lỏn. Tôi định vào phòng khách xin vào tham quan và ở lại vài ngày…nhưng cả không gian yên tĩnh hòa vào không khí đâu đó tiếng kinh trưa…hình như nhà dòng đang đọc kinh trưa…tôi dựa vào bức tường bên cánh cổng được che mát bởi một cây sấu già, thiếp ngủ đi… êm đềm cùng những tiếng bì bõm dưới nước của mấy vị Đan sỹ chuyển đá…
 
- Này này...
 
Tiếng gọi và một bàn tay nhẹ đặt bàn tay lên vai tôi làm tôi choàng tỉnh:
 
- Ơ! Dạ…con chào Thầy! Con…
 
- Con đến đây tìm hiểu về dòng phải không? Sao lại ngủ ở đây?
 
- Con đến đây lúc các thầy đang đọc kinh trưa?... Con vào Đan viện tham quan được không ạ!
 
- Tất nhiên là được! Con vào phòng khách hỏi thầy Tám thầy sắp xếp chỗ ở và nghỉ ngơi!... Thôi ta phải đi đây...
 
Dáng vị Đan sỹ gầy gầy khuất dần sau cánh cổng, tôi uể oải bước vào nhà khách khá rộng và thoáng đãng dành để tiếp đón khách hành hương.
 
Thật không may hôm đó lại đúng dịp tĩnh tâm của các linh mục Giáo phận Hà Nội về đó,với lại tôi lại không hề có một giấy tờ tùy thân, những thứ cần thiết để người khác biết được tôi là ai, tôi đến từ đâu…đặc biệt là trong thời điểm mà người ta đang “theo dõi” mọi “động thái” của Giáo hội Việt Nam… vị Đan sỹ giám quản e ngại nhìn tôi, tôi ngán ngẫm vì giấy tờ của tôi đã bị tịch thu lại trong vụ kinh doanh thua lỗ vừa rồi…
 
Tôi được phép tham quan và sống trong Đan viện vào buổi ngày, còn chỗ ăn, ở thì tự túc ở ngoài Đan viện… Sau này tôi mới biết đó là một điều may mắn, may mắn để tôi trải nghiệm được những biến cố có ý nghĩa trong cuộc đời tôi.
 
Rời nhà khách, bước chân tôi có phần háo hức đi tham quan cảnh nơi đây. Điều ấn tượng trước mắt cả một không gian u tịch.
 
Nhưng rồi, rất nhanh chóng, sự ngạc nhiên lẫn thích thú lấn át cảm giác u tịch, lặng lẽ ban đầu khi nhà thờ sừng sững hiện ra trước mặt. Thánh đường xây bằng gạch mộc, trải bao năm tháng càng được nước thời gian làm tăng thêm vẻ mộc mạc mà cổ kính. Từng viên gạch, từng góc tường, từng đường nét đều toát lên một sức hút lạ kì. Đây cũng là nét độc đáo hiếm Thánh đường nào có.
 
Trái với vẻ thô mộc bề ngoài, nhà thờ Châu Sơn có một ngôi thánh đường khá rộng lớn và lộng lẫy. Những hàng ghế nâu bóng nằm im lìm trong ánh sáng mờ nhạt có mấy Đan sỹ đang cầu nguyện sốt sắng. Trên điện cao là hình chúa Giê Su cùng các Thánh trang nghiêm, cung kính. Giữa cái tĩnh lặng vô biên của thánh đường, tiếng chim gù từ xa vọng lại mang đến một cảm giác thật lạ lùng, xa xăm như cổ tích. Tôi se lòng lại thổn thức trước những kiến trúc đẹp thì ít mà vì trong lòng tôi đang giằng xé biết bao cảm xúc khôn tả thì nhiều…tôi lặng lẽ cầu nguyện, xen lẫn vào những câu thắc mắc sao tôi lại rơi vào tình trạng bi đát như lúc này? Tại sao con…tại sao con…
 
Hai bên giáo đường là dãy hành lang hun hút, vòm mái theo kiến trúc Gô- tíc cổ kính. Những bức phù điêu trên tường lặng nghe bước thời gian.
 
Nhẹ đi qua lối cầu thang, khe khẽ mở cánh cửa gỗ dẫn lên gác chuông, tôi lại thêm một lần ngạc nhiên. Từ trên gác chuông phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được toàn cảnh Đan Viện: Những vườn cây xanh mát, chiếc sân rộng với tượng Chúa uy nghi… Làng mạc, núi non bốn phía như vẽ, một bức tranh giản dị mà đầy mê hoặc. Phía bên phải Thánh đường là một vườn cây trải rộng bởi thảm cỏ xanh ngát, bao trùm phía trên là những cây sữa và xoài tượng nẵng trĩu những quả vàng chín mọng.
 
Cơn đói cồn cào tôi vội vàng đi xuống bãi cỏ nơi có một số đan sỹ đang nhặt nhạnh gì đó:
- Chào… Thành viên mới à?
- Dạ! Con chỉ là khách tham quan thôi! Các Thầy…
 
- Ồ không bọn em cũng mới vào vài năm nay thôi… hình như anh rất đói phải không!
 
Mãi suy nghĩ bây giờ tôi mới biết là bụng tôi trống rỗng từ hôm qua đến giờ. Chắc hẳn khuôn mặt hốc hác, bờ môi khô và ánh mắt của tôi đang nhìn chằm chằm vào những quả xoài chín mọng trong nón làm vị kia đoán chính xác cảm giác của tôi lúc này.
 
- Đây xoài đây! Ăn đi, vào Đan viện không phải ngại ngùng đâu, vào đây là cái tôi không còn nữa mà…Ăn đi xoài Đan viện ngon đặc biệt đó...
 
Vội vàng nhận lấy cùng lời cảm ơn, tôi đưa ngay trái xoài lên miệng. Một dòng nước ngọt ngào chảy vào cuống họng đem lại cho tôi cảm giác mát ngọt đến lạ. Đúng như lời thầy nói, xoài ở đây ngọt lịm, không chua và rất mát lành… tôi như được no thỏa khi cùng các Thầy (khi đó tôi cũng chưa biết họ là bậc nào trong nhà dòng, vì các Đan sỹ rất khiêm tốn, vẽ bề ngoài họ như vậy nhưng chắc chắn trong tâm thức họ có một sự chiêm niệm sâu sắc - Tôi ngẫm lại câu “vào đây là cái tôi không còn nữa mà” vị kia vừa nói mới thấy được cái sâu sắc trong những người có đời sống chiêm niệm khổ tu) chia sẽ và nói chuyện với nhau, các vị giới thiệu về Đan viện, còn tôi thì say sưa nói về cảnh đời...
 
Tôi được xem như một đan sỹ, được hòa mình trong cảnh sống tĩnh mạc đó, cùng các Đan sỹ nấu ăn, chặt củi, cắt cỏ cầu nguyện, chia sẽ cho đến buổi chiều tà khi… mặt trời chỉ còn lại những chấm đỏ phía xa cuối chân trời…
 
Bước ra khỏi Đan viện, một cảm giác thảng thốt bàng hoàng, tôi sẽ lại đi về đâu? tôi sẽ ở đâu? Đâu là nhà của tôi? Đâu là chỗ ngủ của tôi? ai bước cùng tôi?
 
Những câu hỏi xoáy vào lòng làm bước chân tôi ngập ngừng và cõi lòng tôi trĩu nặng muốn ngồi thụp xuống mà khóc cho thỏa thuê...
 
Ý định đó thật táo bạo so với con người cố chấp trong tôi, không! Tôi phải đứng lên, ở nơi kẽ đá những bông hoa còn nở rộ, trong vũng bùn những bông hoa sen vẫn thơm ngát đó thôi… tôi bước tiếp những bước chân ngập ngừng là những nhịp chân quyết đoán.
 
Bao quanh Đan viện, những lụm khói màu mây bạc từ những mái nhà thi nhau hòa vào ánh nắng yếu ớt cuối ngày phối thành một khung cảnh giống như sự giao tranh của ánh sáng và bóng tối. Tôi cất bước đến ngôi nhà có tượng gia đình Thánh gia ở trên nóc:
 
- Cô ơi! Gia đình cô có nhà cho thuê không cô…cô cho con thuê ở vài hôm không?
 
Người phụ nữ trạc 40 nhìn tôi ái ngại:
 
- Chú ở trong Đan viện ra à… ở đó…?
 
- Dạ không cháu đến tham quan, nhưng trời đã xế chiều nên cô cho con thuê ở qua đêm được không?
 
Người phụ nữ nhìn về phía Đan viện dọng ngập ngừng:
 
- Dạo này ở đây người ta kiểm tra gắt gao lắm, nếu về được thì chú nên về đi, bây giờ chắc là còn xe về Hà Nội đó. Bình thường tôi sẵn sàng nhưng hôm nay các cha về đây tĩnh tâm nên có nhiều điều phiền phức lắm, an ninh không đảm bảo đâu...
 
Đã hiểu được phần nào thế cuộc trong giọng nói e ngại của người phụ nữ Công giáo, tôi quay bước ra phía hồ nước đang bị khuấy động bởi đàn cá ngoác mõm lên đòi ăn…qua một con đường biên hòa, tôi lặng lẽ đi, lạng lẽ ngắm nhìn khoảng không trải rộng trước mắt, những hồ cá nước trong ánh lên màu ngọc bích, những đồng lúa xanh uốn lượn yên bình dưới những ngọn đồi biên hòa bám đầy rong rêu.
 
Núi đá trơ vơ giữa đất trời như có ai đó vẫn tha thiết trìu mến dõi ánh mắt từ đó vào Đan viện và vùng dân cư xung quanh. Nơi đây còn đó dấu tích của một thời lịch sử nhiều đau khổ của các Đan sỹ ngày xưa.
 
Băng qua một khoảng cánh đồng, băng qua con đường uốn lượn cùng nhịp của con kênh hiền hòa, tôi dấn bước đến tượng đài Chúa cứu thế đang giang rộng cánh tay nới rộng nối lại đất trời. Bậc thềm đá bám đầy rêu phong của thời gian dẫn tôi đi lên núi đá phía sau Đan viện có đặt tượng Đức Mẹ.
 
Tôi sững lại khi chắn ngang lối lên tượng đài Đức Mẹ là một cánh cổng bằng thép gai, tôi chùn bước quay đầu lại trở về thì thấy ngay một lối mòn nhỏ, phía phải cánh cổng được mấy cành cây khô tua tủa gai lấp lại.
 
Đánh bạo, tôi cố chui qua lỗ hỗng nhỏ mạc cho gai đâm tủa máu, tôi bỏ lại sau lưng tiếng gọi í ới của đám trẻ chăn trâu dục nhau đi về phía những ngôi nhà khói tỏa.
 
Bước lên 299 bậc thang mới đến được tượng đài Đức Mẹ, tôi mệt nhoài nhưng vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng nơi đây. Trên chót vót đỉnh núi một hốc đá rộng không biết do tự nhiên hay do ai đã tạo ra, phía dưới được lát gạch mộc có trải mấy tấm chiếu cói, phía trên những hốc đá tự nhiên xếp lổm chổm lòi ra mấy lọn cây rêu đu mình xuống. Phía sau bàn thờ là tượng Đức Mẹ chắp tay, đeo chuỗi mân côi, ánh mắt hiền từ như đang cầu nguyện cho đoàn con cái của mình. Chới với trên vách núi là tượng Chúa chịu khổ nạn như đang rỏ xuống những giọt máu và nước lòng thương xót xuống trên toàn nhân loại.
 
Không gian tĩnh lặng hoàn toàn, đó là lúc tôi đối diện với chính mình, đối diện với bản ngã của mình. Chúa có nhìn tôi đang đứng trơ vơ đó không? Đức Mẹ có nghe tiếng lòng tôi chăng? Đó quả là một xác tín lớn lao, vì tôi cố tĩnh tâm trấn tĩnh mà những xao xuyến vẫn cứ gào thét khôn nguôi. Tôi tin Chúa đó, nhưng tôi có xác quyết mạnh bạo được niềm tin đó đâu! Chỉ những lúc này đây, ý niệm về niềm tin vương lại đôi chút trong suy nghĩ, nhưng quay mặt hướng về khung cảnh cánh đồng xanh thẳm, những con sông uốn lượn, những ngôi nhà mới, những cô thôn nữ duyên dáng đang gánh cỏ về làng, lòng tôi lại xao xuyến đến lạ, ý nghĩ về niềm tin lại bị thờ ơ một cách tàn nhẫn. Tôi chỉ là một hữu thể xao xuyến bình thường mà thôi!
 
Mặt trời khuất bóng, màn đêm kéo theo ánh trăng vằng vặc và không khí mát mẻ làm không khí nơi hang đá dịu dàng hơn, khoảnh khắc giao hòa giữa ngày và dêm làm tôi say sưa ngắm nhìn cảnh đẹp mỹ miều của miền sơn cước đến quên mất đêm nay tôi sẽ ngủ ở đâu.
 
Một quyết định táo bạo nảy ra trong đầu “đêm nay ta sẽ ngủ lại đây! đêm nay con sẽ ngủ lại đây Chúa ơi!” Trong hang đá trời tối như đổ mực, chỉ có chiếc đèn chầu bằng dầu để dưới chân Đức Mẹ không đủ tỏa ánh sáng xua đi bóng đêm ở đây. Ngoài trời trăng sáng vằng vặc nhưng không đủ sức để lòn vào trong hang, xa xa tiếng chó sủa và tiếng dế bắt đầu rã rích...
 
Bóng đêm âm u, cô đơn, sợ hãi chỉ ba cảm xúc đó đã nhấn chìm một người vào vũng bùn tuyệt vọng, nhưng với thôi, tôi cần chúng biết bao, tôi cần bóng đêm hù dọa để nhìn lại mình, tôi cần sự cô đơn để hiểu rõ mọi người, tôi cần sự sợ hãi để bỏ bớt tình kiêu ngạo, thói ngông cuồng. Có nhiều biến đổi xáo trộn trong tâm hồn, tôi muốn cầu nguyện, tôi muốn tâm tình với Chúa, tôi muốn thưa với Đức Mẹ hết nỗi lòng. Tôi muốn dứt hết cái “tôi” ngay tức khắc, nhưng đúng khoảnh khắc đó các tin nhắn đòi nợ lại làm tôi rụng rời khi nhắn tin trả lời xin khất lần…tôi không dứt ra được khỏi chiếc điện thoại tay mâm mê bấm số.
 
Ta phải hỏi cho rõ ràng, tại sao bạn ta lại đối xử không tình nghĩa với ta như vậy, tại sao lại phản bội đẩy ta vào tình trạng nợ nần, túng quẫn như vậy, ta phải chửi nó cho thỏa cơn tức giận…ồ thế thì được ích gì, bao vốn liếng đã tan theo mây khói…như vậy phỏng có ích gì?
 
Lướt xuống phía cuối danh bạ …@nam lun. Cái tên làm tôi không khỏi tức giận, nóng nãy kèm theo cảm giác đau nhói trong tim ‘ta phải gọi để hỏi xem tại sao cô ấy lại phủ phàng, bạc bẽo và khinh thường ta như vậy, ta đã làm gì để cô ấy đối xử tàn tệ với ta như vậy? Ta đã yêu cô ấy hết mình đó chứ…! Ôi không có lẽ do tôi yếu hèn trong cảm xúc đó thôi, gọi bây giờ phỏng có ích gì?”
 
Ta phải nói với bố mẹ thảm cảnh ta vừa rồi, ta phải nhờ bố mẹ giúp đỡ, ta cần người chia sẽ biết bao, gia đình, ta cần gia đình biết bao. Ồ không ta bất hiếu đến vậy, ta ngông cuồng đến vậy liệu có ai còn tha thứ chăng? Cái “tôi” của tôi phản kháng lại nhưng nỗi cô đơn sự sợ hãi và bóng đêm thôi thúc tôi ấn phím…khổ cho tôi vừa lúc máy hết pin…khẽ lắc đầu ngán ngẫm ‘còn ai với ta?’ (Có lẽ vì tôi chẳng biết chia sẽ cùng ai, nên chỉ biết viết vào đây cho thỏa nỗi lòng, ít ra từng con chữ làm vơi đi cảm giác lúc này).
 
Tôi lần ra trong hành trang cỗ Tràng hạt đã bỏ quên từ lâu, đọc kinh, cầu nguyện và ngủ vùi đi lúc nào không biết, thỉnh thoảng trong những cơn mê man tôi bị đánh thức bởi tiếng dơi vỗ cánh làm tôi giật mình, hoảng hốt thức giấc..
 
Khi sương đêm đang còn phủ đầy trên núi, bóng đêm còn bao trùm, lúc đó khoảng 4 giờ sáng, tôi bật dậy, hoảng hốt, một nỗi sợ hãi lớn dần lên khi có bước chân và một cái bóng đen không rõ người hay là ma đang chậm rãi bước lên. Tôi bật ngay dậy, chạy lại phía chân Đức Mẹ hoảng hốt:
 
- Ôi…. Con sợ quá…
 
Ánh mắt tôi dãy dụa để tìm chỗ nào đó ẩn nấp, chạy trốn khỏi nỗi sợ hại từ những nhịp bước đều đều và cái bóng đen đang dần lên những bậc thang cuối cùng….Chúa ôi cứu con!…lý trí tôi không đủ tĩnh táo để nhìn lại chiếc bóng cao lớn kia, bóng đen cũng đứng sững lại…không biết đang ngạc nhiên, hay sợ hãi khi thấy trên hang đá núi cô tịch này lại có một người quỳ mọp kêu tên cực trọng…có lẽ người đó chỉ ngạc nhiên mà thôi vì tôi vẫn mang máng thấy chiếc bóng điềm tĩnh suy xét mọi việc…
 
Định thần lại tôi mới ngẫm ra bóng đen kia không phải là ma quỷ như kinh nghiệm của Thánh Antôn viện phụ gặp phải ngày xưa đó cũng không phải là những tên cướp núi..ở đây làm gì có cái gì cướp bóc…mà bước chân khoan thai điềm tĩnh thế kia cơ mà!. Bóng đen đó cao lớn, uy nghi và vững chãi …tôi đánh liều nhìn lại miệng vẫn không khỏi kêu Chúa Mẹ để lấp đi nỗi sợ hãi…Thì ra đó là một Đan sỹ lên đây cầu nguyện, chiếc áo chùng thâm đen, viền trắng ở cổ, vầng trán hói…vị thầy tu chưa hết ngạc nhiên phát ra dọng trầm ấm:
 
- Ta là người chứ không phải là ma đâu mà phải sợ…? Anh là...?
 
Hình như tim tôi khi nãy như tót ra khỏi lồng ngực ẩn nấp trong các hốc đá bây giờ vội vàng chạy ra chui vào lồng ngực đập liên hồi:
 
- Thưa thầy con lên đây ngủ… tại con không có chỗ ngủ… có được không ạ?
 
Giọng nói trầm ấm lại cất lên một niềm bình an truyền qua tôi:
 
- Không ai cấm con đến với Chúa cả!
 
Nói rồi vị kia quỳ xuống bắt đầu lần chuỗi mân côi, tôi ngỡ ngàng cũng ngồi xuống trầm mình trong giờ kình nguyện…một giờ kinh nguyện cùng vị Đan sỹ qua đi nhanh chóng…người đó đến cũng thật nhanh và đi cũng thật nhanh:
 
- Con cứ ở đây! Nếu con muốn con sẽ nghĩ ra được nhiều điều… Con cứ ở đây nhé…ta phải xuống dự giờ lễ sáng rồi…
 
Rồi người đó quay bước… tôi nhìn mãi bóng dáng vị Đan sỹ cho đến khi ông khuất dần vào Đan viện…
 
Ánh sáng tràn vào hang đá, lòng tôi thư thái thả hồn theo những làn gió vi vu…cảnh đẹp ở đây vào buổi sáng như trong lành hơn, tất cả thu vào trong tầm mắt những khung cảnh lạ kỳ…tôi quyết định tiếp tục ở lại nơi đây đến khi nào cảm thấy trống rỗng thực sự mới thôi…
 
Một ngày nắng trôi qua một mình tôi nơi hang đá, đêm đến…khung cảnh vẫn như đêm qua…nhưng tôi không còn lo lắng, sợ hãi. Bóng đêm và sự cô đơn không còn tác động được tôi nữa…tôi ung dung, thanh thản, nếm những phút giây yên bình, những sự đời tan biến trong bóng tối và sợ hãi…Có đôi khoảnh khắc tôi như người đi máy bay đã vượt qua khỏi tầng mây, khi đó chỉ còn một cảm giác ánh nắng chan hòa, không còn bận tâm đến mưa, nắng…
 
Đêm thứ 2 tôi không tài nào ngủ được, không biết do tôi mãi suy ngẫm, nghĩ ngợi hay…chắc là do cái đói, cái khát cồn cào trong dạ dày làm tôi day dứt khôn tả. Tôi đói hoa cả mắt…đôi lúc cơn khát làm tôi ù cả tai…ngoài những quả xoài ngọt mát chiều hôm trước tôi ăn ở Đan viện, mấy hôm nay chưa có gì bỏ vào bụng. Lúc đó tôi nhớ đến mẹ, đến gia đình biết bao… ‘khi đói mới nhớ mẹ ta, khi khát nhớ chị, khi buồn nhớ ba’ tôi lẩm bẩm nước mắt thổn thức chảy dài trên má…tôi đã làm bố mẹ và gia đình buồn lòng biết bao, gia đình đã đông con, bố mẹ bươn chải, chắt chiu từng đồng giữa chợ đời, tôi lại bồi thêm những nỗi lo sợ và những cú điện thoại sắp tới có giá hàng chục triệu đồng…chỉ nghĩ đến đó nỗi sợ hãi lại ập đến làm tôi bật khóc như đứa trẻ…
 
Thổn thức đến gần sáng, tôi thiếp đi một lúc…bước chân kia lại chầm chầm chậm bước lên… vẫn là vị Đan sỹ sáng hôm qua…ồ vị Đan sỹ này quả là sốt sắng…tôi thầm khâm phục:
 
- Con vẫn ở đây à! Con đói lắm phải không…? Sao con lại ở đây…con là ai?
 
‘Con đói không?’ câu hỏi đó không cần trả lời khi bất cứ ai gặp tôi lúc đó đều biết tôi đói khát rã rời, ‘sao con lại ở đây?’ để trả lời câu hỏi cần phải kể đến câu chuyện dài. Tôi chững lại ở câu hỏi thứ 3: “Con là ai'? “Tôi là ai?” “Tôi là ai?” câu hỏi xem chừng đơn giản nhưng sao khó trả lời. Tôi không xác định được tôi là ai trong cõi đời này tôi chỉ là chiếc đinh vít nhỏ trong vòng xoáy vô tận của xã hội chăng?
 
Vị Đan sỹ và tôi lại đọc kinh sáng như hôm qua…nhưng trước khi đi xuống vị Đan sỹ lạ lùng kia không tạm biệt mà nói với lại khi chân đã bước xuống bậc thang thứ nhất:
 
- Chờ ta một xíu! Thánh lễ xong ta muốn nói chuyện với con…
 
Tôi gật đầu vâng dạ và tiếp tục chiến đấu với cơn đói để chờ vị kia trở lại…quả thực là tôi đã hết chịu đựng được vì đói,vì khát và nghe xót trong người vì nằm dưới sàn hai hôm rồi mà không được tắm…
 
Tầm 2 tiếng sau tiếng bước chân lại vang sền sệt, lần này nghe gấp gáp hơn…Tôi sững sờ…thì ra đó là một người tôi đã biết đã tiếp xúc qua mấy lần và ngưỡng mộ từ lâu …mắt tôi tròn xoe nhìn gương mặt phúc hậu, vầng trán hói lấm tấm mồ hôi, trên tay đang cầm bánh mỳ, xôi và nước uống:
 
- Ồ! Thưa Đức Tổng… Ngài… Ngài… con… con…
 
- Đừng gọi ta như vậy nữa…đây! Con ăn đi và nói cho ta biết chút ít về con…về những câu hỏi lúc sáng ta hỏi được chứ?
 
Vị Giám mục nhìn tôi cười nhân hậu…trước mắt tôi là vị chủ chăn đáng kính của Giáo Hội Việt Nam, Ngài đã cống hiến cả đời mình cho con chiên. Nhìn cử chỉ của Ngài tôi càng hiểu vì sao Ngài làm được nhiều việc lớn lao như vậy…vì sao tư tưởng vô thần lại quan ngại Ngài như vậy!



Ban đầu còn ngại ngùng nhưng cơn đói và sự thân thiện, nhân hậu của Ngài thúc dục tôi ăn một cách ngon lành. Không ngờ Ngài lại ngồi nghe tôi kể về lý do tôi lên đây và nói chuyện cách say sưa như vậy. Khi nghe xong lý do, Ngài nhìn thẳng vào tôi và nói:
 
- Con đang tìm về với Chúa hay đang trốn chạy cuộc đời?
 
Tôi chỉ biết lặng nghe câu hỏi như hiểu tôi từ lâu, rồi Ngài dẫn tôi ra ngoài lan can chỉ tay về phía xa:
 
- Con có thấy dòng sông xanh ánh bạc kia không…?
 
- Dạ.
 
- Con có biết nó bắt nguồn từ đâu không?
 
Câu hỏi xem chừng là dễ mà không trả lời được, nó bắt đầu từ đâu? Từ biển? từ những đám mây? Từ thượng nguồn trên núi?… Tôi chỉ biết lắc đầu:
 
- Dạ con không biết ạ!
 
Vị Giám mục khẽ mỉm cười:
 
- Nếu đi đến cội nguồn của nó ta đã gặp được Chúa rồi con à! Vậy con hãy nói cho ta biết dòng sông kia sẽ chảy về đâu?
 
- Dạ chảy về biển ạ!
 
Tôi trả lời cho có thế thôi, chứ đi vào những câu nói triết lý của Đức Cha tôi cảm giác mình như bông gòn trong gió bão. Vị Giám mục nhìn tôi tiếp tục:
 
- Dòng nước sẽ chảy mãi miết qua dòng sông, qua ghềnh thác, bốc hơi lên trời hay ra biển… con có thấy sự bao la của biển không…so sánh hơi khập khiễng nhưng ta thấy cuộc đời này chỉ là một đoạn khúc sông ngắn ngủi so với sự sống đời sau như biển lớn và hơn thế nữa. Giây phút đen tối hiện tại con đang trải nghiệm chỉ như một khúc uốn lượn, một khúc sông khô cản của dòng sông thôi, vì vậy con hãy đứng lên và làm lại! Gặp đoạn uốn lượn con phải sửa mình, gặp nơi khô cạn con hãy thấm ướt nơi đó…và con sẽ lại tiến ra biển lớn…con hiểu ta chứ…
 
- Dạ! con hiểu…
 
- Những gì con nợ, con phải trả…điều đó chắc con hiểu, hãy nhờ người khác giúp đỡ đặc biệt là gia đình con, đến Thiên Chúa còn muốn con người hợp tác trong công cuộc cứu độ của Ngài huống hồ là thân phận yếu đuối của chúng ta.
 
Những câu nói thấm vào lòng cho tôi một sự đổi mới nào đó…Tôi cố phân bua về hoàn cảnh của tôi lúc này để che đậy sự yếu đuối trong tôi, nhưng Ngài lần nữa chỉ tay lên trời:
 
- Con hãy nhìn vào không trung thử xem, con có nhìn đến sự tận cùng chưa? Ta chắc là con không nhìn thấu hết vũ trụ kia nhưng ánh mắt của con và bao người khác vẫn muốn nhìn thấu hết! Con dùng kính viễn vọng ư? Con dùng vệ tinh ư? Con dùng tàu vũ trụ ư? … ta nghĩ điều ước muốn của con người là vô tận như công trình sáng tạo của Ngài. Tất nhiên là Thiên Chúa muốn con người hiểu được tình yêu của Ngài dành cho con người qua các công trình sáng tạo của Ngài. Qua đây ta muốn nhắn nhủ con “hãy trở về với cuộc sống, đừng lẩn trốn nó! đó là món quà Chúa ban cho ta để qua đó ta băng về với Ngài. Con hãy nhìn về trời cao! đừng quá chú tâm vào cõi đất thấp…đừng “trốn” theo Chúa! … hãy đi theo Chúa từng ngày! Con à!
 
Nói xong câu đó Ngài tạm biệt và đi xuống, tôi đứng lặng suy ngẫm và bước theo sau một quãng xa như muốn nhìn không thôi hình ảnh Vị Giám mục của “lòng thương xót”.
 
Ánh nắng chói chang đầu ngày dẫn đàn trâu ra đồng cùng những tiếng cười trong vắt của lũ trẻ thơ, một ngày mới tươi đẹp lại về…tôi cuốc bộ trong lòng thanh thản nhẹ bước thênh thang trên cánh đồng xanh thẳm chạy đua theo dòng sông màu ngọc bích, tôi men theo dòng sông trở về với cuộc đời. Tiếng chuông cầu nguyện từ Đan viện ngân lên đều đều theo từng giọt nắng…
 
Đan viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình.
 
Hè 2010
 
Giuse Trần Cương

 
Sơ đồ đường đi đến Đan viện:
 

 

Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận