Thánh lễ cầu nguyện cho Đất Mẹ Miền Trung

  • Share this:
Như thường lệ, tối thứ 6 hàng tuần những người con từ đất Mẹ Giáo Phận Vinh đang sinh sống và học tập tại Hà Nội lại có dịp xích lại gần nhau trong tình hiệp thông nơi nguyện đường Giêrado nhỏ bé đầy ấm cúng. Chính từ biến cố Tam Tòa đau thương ngày nào mà tối thứ 6 đã trở thành mốc thời gian trong tuần, thời điểm trong ngày để anh chị em Cộng Đoàn Vinh (CĐV) tại Hà Nội hướng về cuộc sống của chính quê hương máu thịt mình. Thánh lễ buổi tối hôm nay (22/10/2010) cũng là một Thánh lễ như vậy.
post-title

Biến cố mà trái tim mỗi người con GP Vinh không khỏi thổn thức nhói đau mỗi khi nghĩ về hay chỉ là ánh mắt vô tình nhìn thoáng qua trong mỗi bức hình trên các trang mạng trong mấy ngày qua không phải tên một địa danh nào mà nó mang tên “Đại Hồng Thủy”. Là trận lụt lịch sử hơn nửa thập kỷ qua có sức tàn phá kinh hoàng mà cho tới thời điểm này chưa ai có thể thống kê được.

Mang tâm tình của người con xa nhà, đau nỗi đau chung khi người Mẹ vốn đã hao gầy vì phải chống chọi với cơn lũ từ đầu tháng; anh chị em CĐV bước vào thánh lễ với tâm tình sốt mến trong không khí đầy tình yêu thương. Vì cha linh hướng cộng đoàn đang dẫn đoàn cứu trợ vào vùng lũ miền trung đau thương nên cha không thể dâng thánh lễ ngày hôm nay. Có lẽ câu chuyện mở đầu bài giảng Cha Mactinô Tùng đưa ra có lẽ không có gì là xa lạ với mỗi người con sinh ra trên mảnh đất miền trung khắc nghiệt. Cha được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn-vùng đất được ưu ái quanh năm mát mẻ, khí hậu ôn hòa-nên không thể nào quên nổi cái ngày cha được sống trên chảo lửa miền trung trong ngày hè nắng gắt. Vậy mà người miền trung lại phải quanh năm suốt tháng sống như thế đó. Cuộc đời thật bất công. Mùa hè gió lào, nắng gắt khiến cho đồng ruộng cháy khô không một giọt nước…đến khi có nước thì nó ào lên một cái, nhanh như cắt đã không thấy nóc nhà đâu nữa…Đòn gánh miền Trung hình như luôn phải oằn mình gánh hai miền Nam-Bắc như vậy. Bên cạnh đó, cha cũng luôn nhấn mạnh nội dung bài Tin Mừng hôm nay với hai chữ “thời đại”. Dường như đám đông trước mặt Chúa thời bấy giờ không khác lắm so với đám đông ngày nay khi người ta “cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao không biết nhận xét” (Lc,12,56)…Mỗi người con CĐV chúng ta nghĩ gì? Cảnh sắc đất trời nơi chôn rau cắt rốn của mình và hình ảnh thời đại này? Hiểu sao đây?

Phần lời nguyện hôm nay càng đặc biệt hơn khi được dành riêng cho những người cha, người mẹ, người anh, người chị…là các bác, các gì, các chú…các em…những con người đã cạn khô nước mắt trước con lũ hung tàn đã cuốn trôi tất cả mọi sức lực của cải vật chất chỉ trừ nỗi đau và sự mất mát... Những lời nguyện xin thiết tha xuất phát từ sâu trong cõi lòng được hòa cùng ánh nến lung linh trong nền nhạc trầm buồn nơi nguyện đường nhỏ bé đầy tình thương đã làm tăng thêm tinh thần hiệp thông luôn một lòng hướng về miền quê cha đất mẹ của anh chị em CĐV tại Hà Nội.

Hạn hán và lũ lụt dường như là những thử thách mà Chúa gửi đến cho người dân miền Trung. Chính từ những thử thách đó mà những con người ấy lại đứng lên, đứng lên để tiếp tục sống, tiếp tục đón nhận những thử thách mới…Thế nhưng, hình như lần này thử thách ấy đang quá sức chịu đựng khi đặt lên những đôi chân không còn đứng vững. Trong dòng suy tư này, tôi chợt nhớ tới một câu trong thư của thánh Phaolo Tông Đồ “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1Cr,10,13). Phải, chúng ta tin, tin và xác tín rằng rồi Thiên Chúa sẽ cho một kết thúc tốt đẹp…


 
Teresa Nhã
 
Bình luận

Bạn phải đăng nhập để bình luận